Từ 8 - 14.7, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia, đã dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở một số địa phương như Thái Nguyên, Yên Bái.
Tránh cán bộ nhăm nhăm “giúp người”
Ông Dương Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, khẳng định: “Chúng tôi xác định phải tránh ngay từ đầu những cán bộ chưa vào làm nhiệm vụ thi mà đã nhăm nhăm giúp người này người kia. Việc cố tình vi phạm là rất khó kiểm soát nên phải chọn cán bộ làm thi rất kỹ”.
Do vậy, theo ông Tiến, với cán bộ tham gia làm thi ở từng khâu không phải tổ chức cho học quy chế mà phải kiểm tra. Kiểm tra không được phải cho học lại và nếu vẫn không đạt thì dứt khoát không cho làm thi. Đặc biệt, kiểm soát thật kỹ các khâu như in sao đề, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi...
Lên phương án khi thi vào thời gian cao điểm mưa lũ
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người trong làm nhiệm vụ thi. “Dù năm nay kỳ thi được gọi là thi tốt nghiệp THPT, nhưng phần lớn các trường ĐH vẫn lấy kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Do vậy, tính chất cạnh tranh rất gay gắt, không thay đổi nhiều so với kỳ thi THPT quốc gia các năm trước về bản chất”, ông Độ lưu ý.
Ông Độ nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành khi năm nay kỳ thi được giao về cho địa phương. Ông Độ lưu ý, cần tiếp tục tạo niềm tin cho xã hội như kỳ thi năm 2019.
Do vậy, theo ông Độ, cần đặc biệt quan tâm đến việc phân công “rõ người, kín việc” trong kỳ thi, không để bất cứ một lỗ hổng hay đầu việc nào thiếu người chịu trách nhiệm trong kỳ thi này. Muốn làm được như vậy, cần phải giải quyết tất cả mọi việc đúng từ ban đầu: chọn đúng người, giao đúng việc.
Ông Độ yêu cầu các địa phương chú trọng tập huấn kỹ lưỡng nghiệp vụ cho cán bộ coi thi, chấm thi. Đặc biệt, với những tỉnh như Yên Bái, do thiếu giáo viên THPT nên phải huy động thêm giáo viên THCS làm nhiệm vụ coi thi, càng phải tập huấn kỹ càng, tổ chức tập huấn riêng, kiểm tra kỹ trước khi giao nhiệm vụ cho giáo viên.
Phương án nếu có thí sinh nghi nhiễm Covid-19
Dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được đẩy lùi nhưng khi đi kiểm tra thi ở tất cả các cơ sở, ông Nguyễn Hữu Độ cũng hỏi về phương án dự phòng tại mỗi điểm thi trong tình huống xấu nhất xảy ra: trong kỳ thi có thí sinh (TS) nghi ngờ nhiễm Covid-19, hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Đề thi chính thức sẽ không khó hơn đề tham khảo
|
Ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng điều quan trọng là không để rơi vào tình huống bất ngờ, bị động trong kỳ thi. Đặt ra tình huống giả định có TS nhiễm Covid-19 hoặc là đối tượng F1 cũng nhằm mục đích như vậy. Do vậy, kỳ thi năm nay, sự tham gia của ngành y tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không chỉ chủ động về phương án cách ly và tiến hành xét nghiệm, điều trị cho TS, ông Độ đề nghị thậm chí còn tính đến cả tình huống TS cách ly nhưng vẫn có quyền được tiếp tục thi. Có thể cho TS làm bài thi trong phòng cách ly với sự theo dõi, bảo vệ tuân thủ đúng quy chế như TS đang làm bài ở phòng thi bình thường.
Bình luận (0)