Chọn ngành thế nào để chưa ra trường đã được nhiều công ty săn đón?

07/06/2023 06:00 GMT+7

Có phải cứ chọn trường "top", ngành "hot" là khi ra trường sẽ được các công ty săn đón với mức lương cao? Đâu là cách để xác định được đam mê của mình và biết mình thật sự phù hợp với ngành nghề nào?...

Những thắc mắc này đã được các chàng trai tài năng, là những "idol" của giới trẻ, chia sẻ trong chương trình trực tuyến Tiếp sức mùa thi 2023 với chủ đề "Chọn nghề phù hợp với bản thân", diễn ra ngày 6.6.

Buổi trực tuyến nằm trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" do T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Chọn ngành thế nào để chưa ra trường đã được nhiều công ty săn đón ? - Ảnh 1.

Các khách mời tham gia chương trình trực tuyến Tiếp sức mùa thi 2023

Thanh Hải

Những yếu tố cộng hưởng khi chọn ngành

Lê Yên Thanh, một chàng trai tài năng được rất nhiều người trẻ ngưỡng mộ, đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Phenikaa MaaS, kể: "Từ thời học sinh, mình đã đam mê công nghệ thông tin (CNTT), mong muốn lớn lên sẽ làm lập trình viên. Khi đó mình thích chơi game nhưng chơi rất tệ, vì thế mình đã "ăn gian" bằng cách dùng phần mềm để chỉnh số điểm game. Từ đó mình bắt đầu tò mò về lĩnh vực phần mềm, tự hỏi tại sao công nghệ lại có thể làm được những điều hay như vậy?".

Tất cả phụ thuộc vào bản thân các bạn, nếu chọn ngành "hot" nhưng bạn chỉ học ở mức trung bình thì cơ hội nghề nghiệp của bạn cũng không bằng những người nổi trội trong ngành học được cho là không "hot".

LÊ NHẬT TƯỜNG , Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2022

Từ sự tò mò đó, Yên Thanh tìm hiểu về lập trình, dần dần đam mê và đặt mục tiêu phải học giỏi các môn tự nhiên để có thể theo học ngành CNTT nhằm trở thành một lập trình viên.

Khi được hỏi có bị áp lực nào lúc chọn ngành học cách đây 4 năm, Lê Nhật Tường, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2022, cho biết bản thân từng cảm thấy khá áp lực khi chọn ngành, bởi trước đây gia đình có định hướng Tường theo ngành kỹ thuật ô tô, và sẽ mở gara để Tường làm chủ sau khi tốt nghiệp.

"Tuy nhiên, mình thấy bản thân có thế mạnh về CNTT, từng đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn tin học nên đã quyết định chọn ngành CNTT để theo đuổi", Tường nói.

Hiểu được thế mạnh của bản thân cộng với sự nỗ lực và cố gắng, từ lúc chưa ra trường, Tường đã được 2 công ty lớn về công nghệ nhận làm việc chính thức với mức lương cao. Chia sẻ về bí quyết, Tường nói: "Ở năm nhất đại học, sinh viên thường học những môn đại cương, còn môn chuyên ngành thì khá ít. Các bạn hãy chủ động lên mạng để xem và học những thứ liên quan đến ngành nghề của mình. Bên cạnh đó, cần học thêm kỹ năng giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội do trường tổ chức để rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức…".

Sau khi xác định 2 ngành mình thích nhất, bạn hãy bắt đầu tìm hiểu thật kỹ qua sách báo, mạng xã hội; hỏi người thân, anh chị đi trước có làm trong lĩnh vực đó rồi đưa ra quyết định chọn ngành.

LÊ YÊN THANH, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Phenikaa MaaS

Còn Võ Lập Phúc, thủ khoa toàn quốc khối D14, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020, tiết lộ lý do chọn ngành Quốc tế học: "Từ nhỏ mình rất thích đọc lịch sử triết học, lịch sử ngoại giao của VN… Ham thích đó đã thôi thúc mình quyết tâm chinh phục và theo học ngành liên quan về đối ngoại".

Thi đạt tổng điểm 29,6, Phúc có nhiều trường để lựa chọn theo học, nhưng khi tìm hiểu và biết được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM rất coi trọng các hoạt động phong trào, ở đó mỗi cá nhân được dấn thân sáng tạo, và tạo ra giá trị trong quá trình thực hiện phong trào…, Phúc đã chọn trường này.

"Bên cạnh đó cũng có nhiều yếu tố khác cộng hưởng khi chọn ngành, như khả năng tài chính, khoảng cách địa lý… Chúng ta có thể có nhiều lựa chọn tốt cho bản thân, nhưng làm sao để cân bằng được giữa tình yêu ngành nghề, tình yêu gia đình và khả năng đồng hành của gia đình chính là câu hỏi quan trọng nhất phải trả lời trong hành trình chinh phục hoài bão của mình", Phúc nhắn gửi.

Chọn ngành thế nào để chưa ra trường đã được nhiều công ty săn đón ? - Ảnh 4.

Nhiều thí sinh thường băn khoăn, lo lắng khi lựa chọn ngành nghề cho bản thân

Đào Ngọc Thạch

Ngành "hot", trường "top" có quyết định sự thành công ?

Khi thí sinh đặt vấn đề về việc chọn ngành "hot" để theo học, Nhật Tường cho rằng hiện nay học ngành nào cũng có khả năng có việc làm sau khi ra trường. "Tất cả phụ thuộc vào bản thân các bạn, nếu chọn ngành "hot" nhưng bạn chỉ học ở mức trung bình thì cơ hội nghề nghiệp của bạn cũng không bằng những người nổi trội trong ngành học được cho là không "hot"", Tường nhấn mạnh.

Yên Thanh thì khuyên thí sinh hãy tìm hiểu những thứ mình thích rồi liệt kê ra 10 thứ (ngành) mà mình yêu thích, sau vài tháng suy xét thêm thì gạch bớt 5 ngành, tiếp theo là gạch thêm 3 ngành. "Sau khi xác định 2 ngành mình thích nhất, bạn hãy bắt đầu tìm hiểu thật kỹ qua sách báo, mạng xã hội; hỏi người thân, anh chị đi trước có làm trong lĩnh vực đó rồi đưa ra quyết định chọn ngành", Thanh nói.

Trả lời thắc mắc của một học sinh tại TP.HCM về việc không lựa chọn trường "top" để học thì có ảnh hưởng đến việc tìm việc làm sau này, ở góc độ chủ một doanh nghiệp, Yên Thanh khẳng định: "Khi tuyển dụng thì đầu tiên mình cũng xem về trường các bạn theo học, tuy nhiên đó không phải là yếu tố quan trọng. Sự đam mê, nhiệt huyết cống hiến cho công ty quan trọng hơn điểm số hay trường mà bạn theo học".

Chính vì thế, Yên Thanh khuyên thí sinh nếu không đủ điểm vào các trường "top" thì hãy yên tâm lựa chọn các trường khác để theo học. "Ngày xưa mình cũng vậy, khi từ THPT lên đại học, mình có cơ hội đi du học nhưng vẫn quyết định học ở VN. Mình thấy học trường nào không quan trọng, điều quan trọng là mình cố gắng như thế nào. Và đến khi tốt nghiệp, mình vẫn được đi thực tập, làm việc ở Google như các bạn đi du học ở Mỹ, Singapore…", Yên Thanh chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.