Sốc tiếng Anh khi du học dù 8.5 IELTS

Ngọc Long
Ngọc Long
04/06/2023 14:03 GMT+7

Dạy tiếng Anh, đạt điểm IELTS cao nhưng vẫn sốc tiếng Anh khi giao tiếp, học tập ở xứ người là câu chuyện chung của một số du học sinh. Và họ có nhiều cách để vượt qua.

Choáng vì cách giao tiếp lệch "chuẩn"

Từng là giáo viên tiếng Anh và đạt 8.5 IELTS trước khi du học ngành giảng dạy tiếng Anh ở ĐH Warwick (Anh), thạc sĩ Đỗ Nguyễn Đăng Khoa chưa từng nghĩ kỹ năng nghe và nói của bản thân sẽ ngày càng kém đi trong những tuần đầu sinh hoạt nơi xứ người. "Lúc đó, tôi nhận ra hàng tháng liền chuẩn bị cho bài thi IELTS vẫn không thể ngăn được cú sốc tiếng Anh khi du học", anh Khoa bộc bạch.

Đầu tiên, nam giáo viên cho biết anh rất tệ trong khoản ghi nhớ, thậm chí không thể gọi tên những thứ nhỏ nhặt bằng tiếng Anh như dụng cụ nấu ăn. Anh Khoa nói từng mất 15 giây để nhớ từ "chopping board" (cái thớt) khi nói chuyện với bạn cùng phòng. "Tôi có thể thuyết trình 45 phút bằng tiếng Anh về chủ đề chuyên ngành, nhưng lại chật vật tìm những từ có thể nuôi sống và giúp tôi tồn tại ở Anh", anh ví von.

Sốc tiếng Anh khi du học dù 8.5 IELTS - Ảnh 1.

Thạc sĩ Đăng Khoa những ngày học thạc sĩ tại Anh, ảnh chụp tháng 1.2022

NVCC

Cách nói "thần tốc" của người Anh cũng khiến thạc sĩ Khoa "xây xẩm". Đơn cử, cả câu "would you like a bag?" (bạn có cần túi không?) được người bán hàng nói trong chưa đến 1 giây. Vì lẽ đó, đến tháng thứ 4 sống ở Anh, nam giáo viên thừa nhận có khi vẫn phải yêu cầu người đối diện lặp lại điều vừa nói để hiểu điều họ muốn truyền đạt.

"Bài thi kỹ năng nghe trong IELTS thiên về ngôn ngữ học thuật với giọng nói chậm, chuẩn dựa theo kịch bản có sẵn, khác hoàn toàn với thực tế giao tiếp trong đời sống là nhanh và không tuần tự theo lượt, thậm chí là chồng lên nhau. Điều này khiến kỹ năng nghe từng đạt điểm tuyệt đối 9.0 mà tôi từng tự hào dường như vô dụng", anh phân tích.

QTT 13

Từ vựng và ngữ pháp khác biệt giữa các quốc gia cũng là điểm đáng chú ý. Chẳng hạn, người Anh dùng "hall of residence" thay vì "dorm" để chỉ ký túc xá, hay dùng "let agreed" để thông báo chỗ ở đã được thuê. "Sách giáo khoa tiêu chuẩn chỉ dạy 'let (hãy) + túc từ + động từ nguyên mẫu' chứ không hề có 'let + quá khứ phân từ'. Sau một hồi tra từ điển, tôi mới biết 'let' cũng có dạng danh từ là hành động cho phép thuê chỗ ở và cụm từ 'let agreed' chỉ sử dụng độc quyền tại Anh", thạc sĩ Khoa giải thích.

Sốc tiếng Anh khi du học dù 8.5 IELTS - Ảnh 2.

"Let agreed" là cụm từ sử dụng độc quyền tại Anh để chỉ việc chỗ ở đã được cho thuê

RENTLONDONFLAT

Cách giao tiếp lệch "chuẩn" như nói nhanh, nhiều và dùng giọng vùng miền cũng là nguyên do khiến Đặng Thụy Diễm Anh, sinh viên ĐH Erasmus (Hà Lan), không thể hiểu kịp lời bạn học nói trong lớp dù sở hữu 7.0 IELTS. "Não mới dịch được 1 câu thì các bạn đã nói thêm 15 câu. Chưa kể lúc đó tôi chỉ có vốn từ hạn hẹp, chủ yếu từ trong bài học và mạng xã hội nên không diễn tả được ý mà bản thân muốn nói", cô kể.

Rào cản ngôn ngữ không chỉ gây bất tiện cho Diễm Anh ở trường mà còn trong đời sống sinh hoạt. Nữ sinh viên nói có lúc bị "dội nước lạnh" vì những cách nói "kỳ lạ", hoặc người bản địa không thể nói tiếng Anh. Chẳng hạn, trong một lần gọi điện đặt lịch nha sĩ, nhân viên phòng khám không biết cách ghi tên cô dù đã được đánh vần từng từ. "Sau một hồi 'vật lộn', họ nói tôi cúp máy đi, mai gọi lại để nhân viên khác ghi cho. Tôi chỉ đành chấp nhận", Diễm Anh nhớ lại.

Theo nữ sinh viên, IELTS chẳng là gì trong cuộc sống và trở ngại giao tiếp không thể học theo khung sườn có sẵn nào đó là vượt qua được. Mỗi người có học vấn, gia đình, việc làm, suy nghĩ khác nhau và cách họ nói chuyện được sản sinh từ những yếu tố đó, Diễm Anh nhìn nhận. "Hàng xóm tôi nói chuyện một kiểu, đồng nghiệp lại một kiểu khác. Vấn đề không chỉ nằm ở học ít hay nhiều, mà còn dựa vào sự thấu hiểu của ta với người đối diện. Hãy nhớ giao tiếp luôn là việc của cả 2 bên", cô nêu quan điểm.

Sốc tiếng Anh khi du học dù 8.5 IELTS - Ảnh 3.

Vì giao tiếp là hoạt động của cả 2 bên, Diễm Anh khuyên song song với trau dồi chính mình, người học cũng cần dành thời gian thấu hiểu người đối diện

NVCC

"Các bạn cũng không nên xấu hổ khi người khác nhận xét mình đang nói tiếng Anh - Việt chứ không phải tiếng Anh chuẩn, vì đây chính là màu sắc đất mẹ và chứng tỏ rằng ta đang nỗ lực học thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ", Diễm Anh nói thêm.

Cách "chữa" sốc ngôn ngữ

Từng làm trợ giảng tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam và đạt 7.5 IELTS trước khi du học, Đào Sơn Tùng, sinh viên ĐH Calgary (Canada), cũng không tránh khỏi lúng túng khi nghe giảng và trao đổi trên lớp, đặc biệt là với giọng Anh - Ấn "hay lên xuống", hay giọng Anh - London "đặc sệt". "Nhiều khi tôi cũng tự giận chính mình vì không thể truyền đạt hết 100% suy nghĩ trong đầu", Tùng thú nhận.

Theo nam sinh viên, trở ngại giao tiếp là rào cản du học sinh thường gặp khoảng thời gian đầu nơi xứ người vì cách phát âm và dùng tiếng Anh mỗi nơi, mỗi người đều có sự khác biệt, không hề "chuẩn" như trong bối cảnh đề thi IELTS. Nhưng đến một lúc rồi sẽ quen, thường là sau 2-3 tuần, Tùng nói. Trước đó, hai bên cũng có thể đạt được mục đích giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể hoặc các ứng dụng dịch thuật.

Để "chữa" sốc tiếng Anh, Tùng cho rằng quan trọng nhất là sự kiên nhẫn và tư duy "muốn giỏi phải nói". "Hãy suy nghĩ chậm lại, nói chậm lại và chịu khó nói tiếng Anh với nhiều người bản địa và bạn học hơn dù không thích. Thực tế sẽ không ai cười bảo 'bạn dùng tiếng Anh dở quá', hay kỳ thị bạn vì nói không đúng chuẩn ở đấy. Mọi người đều sẽ cố thích nghi và hiểu cho nhau, không chỉ ở giao tiếp mà còn về mặt văn hóa, quan điểm...", anh nhắn nhủ.

Sốc tiếng Anh khi du học dù 8.5 IELTS - Ảnh 4.

Theo một số du học sinh, sốc tiếng Anh là hiện tượng thường gặp và có thể vượt qua bằng sự chuẩn bị từ trước và tinh thần xông xáo giao tiếp

PEXELS

Ở giai đoạn chuẩn bị tại Việt Nam, thạc sĩ Đăng Khoa khuyên người học có thể đăng ký các khóa giao tiếp, hoặc tốt nhất là tìm du học sinh của quốc gia mình sắp đến để cùng luyện tập. "Vì mỗi nước có hệ thống luật, chính sách và cách dùng tiếng Anh riêng nên quá trình trao đổi này không chỉ giúp cải thiện giao tiếp, mà còn tạo điều kiện cho các bạn hiểu hơn về văn hóa xứ người", anh Khoa phân tích.

Nam giáo viên cũng khuyên du học sinh có sẵn một số vốn ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc, cũng như chuẩn bị tâm lý với các giọng vùng miền như Anh - Trung Quốc, Anh - Ấn Độ, Anh - Pakistan... Đồng thời, thạc sĩ Khoa đề xuất xem trước một số chương trình truyền hình của quốc gia du học để hiểu thêm tiếng lóng, thổ ngữ và làm quen với ngôn ngữ sử dụng trong các bảng hiệu, kệ siêu thị...

"Không có con số chính xác cần bao lâu mới có thể thích nghi với môi trường bản địa vì tùy thuộc vào độ phủ cũng như sự sẵn sàng giao tiếp của chính bạn. Nhìn chung, để thỏa mãn mục đích sinh hoạt như đi xe buýt, mua hàng, rút tiền... thì chỉ cần 1 tháng là quen với những ai từ 6.0-6.5 IELTS trở lên. Nhưng để tranh luận hay hòa nhập tự nhiên với người bản địa thì quá trình này sẽ lâu hơn nhiều", anh Khoa đúc kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.