Một lớp rơm được phủ lên để giữ ẩm cho những củ kiệu nhanh đâm chồi. Sau đó, vài ngày ba má lại thăm rẫy kiệu, tưới nước, bón phân, tỉa cỏ... Kiệu được trồng vài tháng mới thu hoạch. Má canh ngày chớm nắng, dậy thật sớm gọt tỉa nguyên liệu cho kịp nắng vừa lên. Bởi nắng ngày cuối năm ở Quảng Nam quê tôi rất quý. Củ kiệu tỉ mỉ lột vỏ, để lộ da kiệu trắng tinh. Củ cải, cà rốt được cắt mỏng. Tất cả được xếp mỏng lên cái nia đan bằng tre rồi đem phơi ở hàng rào cây chè tàu. Mỗi bận gần tết, hàng rào xanh mướt hằng ngày trở nên sống động, đẹp mắt bởi những sắc màu trắng đỏ của củ cải, cà rốt, ớt...
THANH LY |
Tầm một tuần giáp tết, má bắt đầu nấu nước mắm ngâm dưa. Dưa món muốn ngon, quan trọng nhất là khâu pha nước mắm. Nước mắm được nấu với đường, cả nhà tôi vốn không thích ăn ngọt, nên tỷ lệ thường là 2 chén nước mắm 1 chén đường. Nước mắm dùng ngâm dưa món thường là nước mắm cá cơm được má muối từ tháng 7, tháng 8 không quá đậm đà, khi nấu thơm phức. Nước mắm và đường nấu trên lửa liu riu cho tan hết đường. Khi nước mắm sôi, má thả vào vài hạt tiêu cho thơm. Theo kinh nghiệm của má, nấu nước mắm, không để lửa cao, sôi nhiều bay hơi nước, mắm đặc gây mặn mùi khắp nhà. Nồi nước mắm ngâm dưa đạt chuẩn nấu phải kỹ lửa, khi ngâm không bị sủi bọt và lên men như mắm nấu vội và đặc biệt có mùi thơm dìu dịu, không mặn quá, vị ngọt vừa đủ và thanh thanh.
Nước mắm nguội, má cho tất cả nguyên liệu vào hũ. Dùng vài thanh tre đan chéo chèn lên bề mặt hũ để dưa món không nổi lên trên, sau đó mới đổ nước mắm cho ngập dưa rồi đậy kín hũ. Dưa món để qua cả tháng giêng ăn vẫn ngon.
Vậy là chuẩn bị đi qua thêm một năm, mùa vẫn giao hòa, hoa vẫn chộn rộn nở. Mấy chị em chúng tôi lại hẹn nhau về quê ăn tết đông đủ. Tôi háo hức lên rẫy phụ má thu hoạch kiệu và làm dưa món. Để chắc chắn rằng, trên mâm cỗ tết bên cạnh những món thịt chả sẽ không thể thiếu đĩa dưa món mặn mà.
Bình luận (0)