Nhọc nhằn đời vạn chài
Xóm vạn chài nằm dưới con hói Eo Bù, một nhánh của sông Lam và nép mình bên thôn Tiền Phong. Nhiều năm nay, tại đây vẫn còn hơn 30 hộ dân trong thôn đang phải bám trụ trên những chiếc thuyền nhỏ, che đậy bằng đủ thứ từ bạt, vải, tấm tôn… tạm bợ vì không có đất để dựng nhà.
Gắn đời mình trên sông nước nên người dân nơi đây hầu như chỉ có một nghề duy nhất, là xuôi dòng sông Lam đánh bắt thủy sản. Thu nhập của họ cũng bấp bênh như sóng nước, và phải đối diện với muôn vàn hiểm nguy trong mùa mưa bão.
Chúng tôi ghé “ngôi nhà” di động của vợ chồng anh Ngô Văn Hiệp (46 tuổi) neo đậu bên mé hói vào lúc giữa trưa. Con thuyền có chiều rộng chừng 3 m, dài khoảng 7 m là nơi trú ngụ của vợ chồng anh Hiệp và 2 đứa con. Bên trong con thuyền, anh Hiệp bố trí khu bếp nấu nướng ở mũi thuyền, diện tích còn lại dành cho việc ăn nghỉ và con cái học tập. Vợ chồng anh Hiệp còn có một chiếc ghe nhỏ dùng để đi lại và mấy tấm lưới đánh cá. Gia sản của gia đình ngư phủ này cũng chỉ có từng đó.
Anh Hiệp bảo bố mẹ anh sinh được 8 người con, đất không đủ để chia cho 5 anh em con trai xây dựng nhà ở. Sau khi lấy vợ, anh bán hết của hồi môn mới mua được chiếc thuyền để hai vợ chồng sinh sống cho đến tận bây giờ. Đứa con trai đầu của vợ chồng anh Hiệp năm nay 16 tuổi nhưng đã bỏ học từ lâu vì theo bố mẹ đánh bắt trên sông.
“Vợ chồng tôi và mấy chục hộ dân ở xóm vạn chài này chỉ mưu sinh bằng nghề đánh bắt, nhưng thủy sản ngày càng khan hiếm nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Sống trên thuyền nay đây mai đó nên chúng tôi sử dụng bình ắc quy để thắp sáng. Cuộc sống sinh hoạt chỉ xoay quanh chiếc thuyền chật hẹp nên bất tiện trăm bề”, anh Hiệp nói.
Anh Hiệp nói rằng lo nhất là vào mùa mưa lũ, người dân xóm vạn chài phải chật vật kéo thuyền lên cạn, rồi sơ tán đến nhà của người thân ở trong thôn ở nhờ. “Như trận lũ lịch sử năm ngoái, nhà cửa ngập hết nên chẳng chạy đi đâu được. Người dân đành phải bám trụ lại trên thuyền. Sống ở đây dù chưa xảy ra vụ lật thuyền nào, nhưng hễ đến mùa mưa bão là chúng tôi lại thấp thỏm lo âu”, anh Hiệp buồn rầu.
Ước vọng lên bờ
Vợ anh Hiệp là chị Cao Thị Ngại (37 tuổi) chuẩn bị hạ sinh đứa con thứ 3, đồng nghĩa với việc con thuyền này sẽ gánh thêm một mảnh đời. Niềm mong mỏi lớn nhất đối với vợ chồng anh Hiệp và các hộ dân xóm vạn chài lâu nay là có một mảnh đất để xây dựng nhà, vừa ổn định cuộc sống, vừa thuận tiện cho con cái học hành.
“Nếu cứ sống ở đây mãi thì mấy đứa trẻ rồi cũng sẽ bỏ học giữa chừng hết thôi. Ở cái xóm vạn chài này, miếng ăn còn không đủ nên chẳng có đứa nào được học hành tử tế cả. Những đứa lớn bây giờ bỏ đi tứ xứ để làm thuê vì không chịu được cái cảnh nghèo khó, bấp bênh này”, chị Ngại thở dài.
Cạnh đó, vợ chồng chị Trương Thị Nhẫn (42 tuổi) cũng đã có với nhau 5 đứa con, cũng sống bám trụ trên chiếc thuyền nhỏ ở xóm vạn chài từ ngày này sang tháng khác. Nhưng vào mùa mưa lũ, cả gia đình chị kéo nhau lên bờ, về ở trong căn nhà nhỏ của bố mẹ chồng nằm bên trong con hói.
“Vợ chồng tôi đông con, giờ về nhà bố mẹ chồng xin ở tạm lánh qua mùa mưa nên đành chấp nhận trú ngụ trong căn bếp vì nhà chính đã chật rồi. Dù hơi chật chội nhưng được sống trên bờ là vui rồi, các con của tôi thích lắm”, chị Nhẫn tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Khương, Bí thư Chi bộ thôn Tiền Phong, cho hay toàn thôn có 90 hộ dân với 270 nhân khẩu nhưng hiện nay mới chỉ có 57 hộ đã có đất định cư trên bờ. Tuy vậy, phần lớn các hộ dân này đều có 2 hoặc 3 thế hệ đang sống cùng nhau, trong điều kiện vô cùng bức bí. Vì thế, không chỉ riêng xóm vạn chài mà nhiều hộ dân khác ở trong thôn cũng mong sớm được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ cấp đất để xây nhà ở.
“Tôi năm nay đã 60 tuổi đời, nhưng cũng mới lên bờ sinh sống được 20 năm nay là nhờ thừa kế lại ngôi nhà của bố mẹ quá cố để lại. Người dân trong thôn không có đất nông nghiệp để canh tác nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì thế mà những cháu nhỏ đều bỏ dở học hành vì theo cha mẹ mưu sinh. Trong thôn rất ít cháu học đến bậc đại học và số người lớn mù chữ cũng nhiều”, ông Khương giãi bày.
Theo ông Khương, sau bao năm chờ đợi thì mới đây, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã quy hoạch khu tái định cư để các hộ dân trong thôn chưa có đất lên xây dựng nhà cửa. Ông Khương hy vọng hạ tầng khu tái định cư sớm được xây dựng, để người dân xóm vạn chài thỏa niềm mong ước “an cư, lạc nghiệp” bấy lâu.
Bình luận (0)