Với ý định phòng ngừa COVID-19, Cặp vợ chồng ở độ tuổi 60 đã uống loại chloroquine phosphate dùng làm sạch bể cá, theo thông báo của Bệnh viện Banner Health ở thành phố Phoenix, bang Arizona, theo Reuters.
Chloroquine phosphate có hoạt chất tương tự như thuốc trị sốt rét chloroquine mà Tổng thống Trump, đăng trên Twitter ngày 20.3, ca ngợi là vũ khí giúp "lật ngược thế cờ" chống virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây COVID-19, căn bệnh đã khiến hơn 16.500 người chết.
Chloroquine là một dạng thuốc quinine (ký ninh) tổng hợp được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét kể từ thập niên 1940. Loại thuốc này gần đây đã được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc, Pháp và một số nhà nghiên cứu cho biết có nhiều kết quả đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên, giới khoa học vẫn khẳng định cần có thêm nhiều thử nghiệm nữa để xác định chloroquine có thực sự hiệu quả và an toàn để điều trị COVID-19 hay không.
Ngay tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 21.3, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci, đã phải sửa sai ngay cho tuyên bố của Tổng thống Trump. Ông nói các thông tin về hiệu quả "vẫn chỉ có tính giai thoại" và nhấn mạnh phải có thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Ngày 23.3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo việc sử dụng những loại thuốc “chưa được kiểm chứng” để điều trị COVID-19 sẽ dẫn đến những “hy vọng vô căn cứ”.
“Sử dụng dược phẩm chưa được kiểm chứng và không có bằng chứng khoa học cụ thể sẽ gây ra những hy vọng vô căn cứ, thậm chí gây hại hơn có lợi, đồng thời dẫn đến sự thiếu hụt những loại thuốc thiết yếu để điều trị các bệnh khác ", ông Tedros nhấn mạnh.
Bác sĩ Daniel Brooks thuộc công ty chăm sóc sức khỏe Banner Health ở bang Arizona cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng mọi người đang cố gắng tìm ra liệu pháp mới để ngăn chặn hoặc điều trị COVID-19. Tuy nhiên, tự chữa bệnh, sử dụng thuốc bừa bãi là tự sát”.
Ông Brooks đồng thời kêu gọi các bác sĩ không kê đơn thuốc chloroquine cho bất kỳ bệnh nhân ngoại trú nào.
WHO khẳng định hiện không có vắc xin hoặc thuốc đặc trị được phê duyệt cho COVID-19, dù các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm những loại dược phẩm có sẵn, chẳng hạn thuốc điều HIV/AIDS… Đa số bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh là nhờ vào phác đồ điều trị và chăm sóc tích cực.
Ngày 23.3, Bộ Y tế Nigeria cảnh báo người dân không được tự ý dùng thuốc chloroquine để phòng COVID-19. Cảnh báo được đưa ra sau khi có ít nhất 3 người bị ngộ độc vì sử dụng quá liều chloroquine.
Cùng ngày, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế Việt Nam có 2 công văn hỏa tốc gửi các sở y tế tỉnh, thành phố, bệnh viện, cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc về quản lý, dự trù thuốc phục vụ chống dịch COVID-19.
Trước đó, Trung tâm chống độc Bệnh Viện Bạch Mai tại thủ đô Hà Nội ngày 22.3 thông báo vừa tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc sau khi tự dùng thuốc điều trị sốt rét để phòng COVID-19.
Bệnh nhân nam (44 tuổi) đã được chuyển đến từ một bệnh viện tuyến huyện tại Hà Nội, trong tình trạng mờ mắt, nôn nhiều, suy hô hấp và được điều trị giải độc. Trước nhập viện, bệnh nhân đã uống 15 viên chloroquine (loại 250 mg) sau khi đọc thông tin lan truyền trên mạng xã hội đề phòng COVID-19.
|
Bình luận (0)