Chong đèn cho đà điểu ngủ

09/05/2022 07:11 GMT+7

Anh Hoàng Văn Cường sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê đã khởi nghiệp từ nông nghiệp bằng cách lấy ngắn nuôi dài. Anh bén duyên với nghề nuôi đà điểu từ một sự tình cờ…

Anh Cường (25 tuổi, ở thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây, H.Tây Hòa, Phú Yên) kể lại: “Sau khi kết thúc nghĩa vụ quân sự, trong một lần đi chơi tại Khánh Hòa, tôi thấy mô hình nuôi đà điểu có nhiều điều hay, mới mẻ và đặc biệt có kiểu khí hậu tương tự quê nhà. Từ đó, tôi quyết định đăng ký và tham gia học lớp trung cấp chuyên ngành thú y tại Trường CĐ Công nghệ và môi trường Bảo Lộc (Lâm Đồng) để nuôi ước mơ triển khai mô hình nuôi đà điểu”.

Với những kiến thức chuyên ngành cùng sự tìm tòi và học hỏi, giữa năm 2020, chàng trai người đồng bào dân tộc Tày này đã quyết định mua 10 con đà điểu giống về nuôi, với giá 2,5 triệu đồng/con. Nhờ khâu chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn đà điểu của anh lớn nhanh và hầu như không bị nhiễm bệnh. Ngoài ra anh cùng gia đình còn đầu tư đàn bò 3B với 7 con, đàn heo gồm 5 heo nái và gần 50 heo thịt đang chuẩn bị xuất chuồng.

Trang trại đà điểu của anh Cường

ĐỨC HUY

So với các loài vật nuôi khác thì đà điểu có sức đề kháng khá cao, lại dễ nuôi và ít gây ô nhiễm môi trường. Thức ăn chủ yếu của đà điểu là các loại rau, cỏ voi, bột ngô, cám…

“Việc nuôi đà điểu chỉ cần lưu ý chuồng trại phải thoáng, rộng rãi; ban đêm phải chong đèn cho đà điểu ngủ vì chúng rất nhát. Sau 24 tháng, đà điểu sẽ đẻ trứng và mỗi năm sinh sản được 3 lứa, mỗi lứa được 10 trứng, còn nếu lấy thịt thương phẩm thì khoảng 8 - 10 tháng, khi đó đà điểu tầm 80 - 100 kg/con”, anh Cường chia sẻ.

Tuy chỉ mới bước đầu nhưng mô hình nuôi đà điểu của anh Cường đã mang lại hiệu quả rất khả quan. Thị trường tiêu thụ giống và thịt đà điểu hiện nay khá lớn, có thể coi là loại đặc sản mới lạ của địa phương...

Anh Cường cho biết thêm: Nếu mô hình thành công sẽ là hướng đi vững chắc để phát triển kinh tế, bởi đà điểu con nở ra khoảng 1 tháng tuổi có giá từ 2 - 2,5 triệu đồng/con, giá trị thịt thương phẩm dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg tại địa phương. Ngoài ra da, xương, lông, vỏ trứng của đà điểu cũng có giá trị kinh tế cao vì đây là nguyên liệu trong ngành sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ.

“Trong thời gian tới tôi sẽ mở rộng thêm quy mô, chia sẻ kinh nghiệm để nhiều hộ dân cùng tham gia nuôi đà điểu để phát triển kinh tế, tham gia các chương trình kích cầu tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, đồng thời liên kết với các cơ sở sản xuất để có đầu ra ổn định”, anh Cường nói.

Không chỉ chăn nuôi, trên diện tích hơn 1,5 ha của trang trại, anh Cường còn kết hợp giữa mô hình chăn nuôi và trồng trọt. Với tiêu chí “lấy ngắn nuôi dài”, trong năm qua vụ thu hoạch sắn đã mang về cho gia đình anh Cường nguồn thu hơn 60 triệu đồng. Sắp tới, khu trồng nhãn xanh mướt từ sự cần cù của chàng trai trẻ này sẽ cho những mùa quả ngọt.

Anh Nguyễn Hữu Tài, Phó bí thư Đoàn xã Sơn Thành Tây, H.Tây Hòa, nhận xét: “Anh Hoàng Văn Cường ngoài nhiệm vụ là một cán bộ thú y của xã còn là một hội viên sản xuất giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu biểu là mô hình nuôi đà điểu khá độc đáo, bước đầu rất thành công, phù hợp với thực tiễn địa phương. Anh Cường đã trở thành một tấm gương cho những bạn trẻ trong việc phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.