Nhiều bạn đọc hết sức đồng tình với ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời mong rằng các địa phương vận dụng linh hoạt và phù hợp để luồng tiêu thụ nông sản thông suốt.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 13.9, chủ trì hội nghị thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định giãn cách để phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi các địa phương phải vận dụng linh hoạt, phù hợp để vừa giãn cách vừa duy trì sản xuất ở “chừng mực nhất định”.
Phó thủ tướng cho rằng việc điều hành của một số địa phương còn thiếu sâu sát, cứng nhắc, chưa kịp thời, dẫn tới ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Chính phủ, Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm không đứt gãy trong sản xuất, lưu thông. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có địa phương, có thời điểm đã vận dụng máy móc, dẫn tới ách tắc. “Có địa phương đặt ra quy định xe chở hàng phải sang tải, sang xe, đổi tài xế, làm mất thời gian, gây ùn ứ. Xe chở mấy trăm con lợn, hàng nghìn con gà mà sang tải thì doanh nghiệp làm sao sống nổi! Rồi có địa phương cứng nhắc đến mức người ta chở con giống về thả để tái đàn mà cũng không cho vào”, Phó thủ tướng dẫn chứng. Phó thủ tướng đã yêu cầu không ban hành thêm các văn bản quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa.
Nhiều bức xúc từ thực tế
Câu chuyện mà Phó thủ tướng dẫn chứng như “khơi” đúng bức xúc mà nhiều doanh nghiệp, tài xế phải chịu. Vì thế, rất nhiều bạn đọc (BĐ) đã lên tiếng kể về nỗi khổ trong thực tế. “1 container gần 30 tấn gạo, hơn 600 trăm bao, cũng bắt sang xe, tụ tập một đống người vác làm nguy cơ bùng phát dịch hơn”, BĐ Phương Trần viết. Trong khi đó, câu chuyện của BĐ Thuan Nguyenngoc, nếu đúng, thì cho thấy sự máy móc không thể hơn: “Chủ trương Chính phủ thực hiện mục tiêu kép nhưng nông dân trên đường ra đồng chăm sóc hoa màu, cây trồng như tưới tiêu, phun thuốc trừ sâu, các chốt không cho đi qua bảo là giãn cách xã hội. Như vậy giãn cách mấy tháng liền hoa màu, cây trái của nông dân còn sống nổi không? Trên chỉ đạo không để đứt gãy cung ứng hàng hóa nhưng nông dân đi chăm sóc cây cối hoa màu thì không cho qua chốt thì sao không đứt gãy chuỗi cung ứng”. Từ thực tế này, BĐ kiến nghị: “Cần xem xét lại để nông dân khi ra đồng đảm bảo 5K thì được qua các chốt. Như vậy nông dân mới sản xuất hàng hóa đảm bảo cuộc sống. Lao động của người nông dân chủ yếu trong gia đình (1 hoặc 2 người trong gia đình) chứ không như buôn bán phải tụ tập đông người nên đảm bảo 5K là không ngại lây dịch”.
“Ở những tỉnh, thành đã khống chế được dịch, và những tỉnh, thành không còn ca thứ phát, hãy tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa. Làm cứng nhắc chỉ khổ người sản xuất. Tất nhiên chống dịch là hàng đầu, nhưng khu vực vùng xanh, vùng vàng nên tạo mọi điều kiện, nhất là đối với ngành chăn nuôi, nông nghiệp...”, BĐ Khuong Đăng đề xuất.
Rà soát lại năng lực cán bộ
Từ thực tế công tác phòng chống dịch hiện nay, nhiều BĐ bày tỏ “hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Phó thủ tướng nhắc nhở các địa phương không được quá cứng nhắc trong phòng chống dịch” (BĐ Hai Nguyen Van); hay “không thể hoàn thiện chi tiết những điều luật trong phòng chống dịch nhiều diễn biến phức tạp được, mong các chính quyền địa phương có cơ chế linh hoạt, hợp lý để tạo điều kiện cho nhân dân, và doanh nghiệp” (BĐ Khoang Khac). Còn BĐ Thuy Tran thì đề nghị: “Lãnh đạo một số địa phương cần đi thực tế, sâu sát hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu!”.
Song song đó, nhiều BĐ cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại tất cả những văn bản trái luật mà các tỉnh ban ra, rà soát cá nhân “thiếu kiến thức, suy nghĩ cực đoan” hành hạ dân, doanh nghiệp để xử lý. Đồng quan điểm, BĐ Dang Xuan Dien viết: “Trong đại dịch sẽ bộc lộ năng lực và cái tâm của cán bộ... Ai không đáp ứng được năng lực mà cứng nhắc máy móc không dám chịu trách nhiệm vì dân thì nên cho nghỉ ngay”.
* Phó thủ tướng còn bức xúc như vậy thì doanh nghiệp bức xúc thế nào...
Longbachnguyen
* Trong từng trường hợp chúng ta nên cân nhắc cho kỹ lưỡng để giải quyết an toàn và linh hoạt. Chứ hàng trăm con heo mà đứng ra sang xe thì thời gian phải mất vài tiếng đồng hồ và chắc chắn gây ùn ứ giao thông, còn chưa nói đến lỡ như xảy ra heo bị chết thì ai là người chịu trách nhiệm? Chống dịch là trách nhiệm của mỗi người dân nhưng không nên cứng nhắc...
Thọ Hà
* Mỗi xe tải đều có gắn camera theo dõi tài xế, nên chỉ cần doanh nghiệp chịu trách nhiệm giám sát tài xế và khi xe đến địa phương thì chính quyền chỉ cần giám sát qua camera để kiểm tra tài xế có rời khỏi cabin hay không là tốt nhất.
N.T.Phong
|
Bình luận (0)