Chống gian lận học thuật: Cần sự quyết tâm ở tầm vĩ mô

24/01/2024 07:30 GMT+7

Khi phát hiện gian lận học thuật, các bên liên quan đều tìm cách 'xử êm' nhằm tránh tổn hại cho uy tín của mình. Để xây dựng nền khoa học lành mạnh, cần sự quyết tâm ở tầm vĩ mô.

Như Thanh Niên đã phản ánh, ngày 18.1, trang tin của tạp chí Science vừa đăng tải bài điều tra về việc các công xưởng bán bài (công ty kinh doanh học thuật) hối lộ ban biên tập nhiều tạp chí khoa học để đảm bảo công trình (bài báo) kém chất lượng của mình được xuất bản. Đây là hình thức gian lận có tổ chức ở quy mô lớn mới được phát hiện. Những chiêu trò gian lận học thuật ngày càng tinh vi với mục đích chủ yếu nhằm gia tăng số lượng công bố dù kém chất lượng là một thực trạng nhức nhối mà nhiều nước có nền khoa học đang phát triển, trong đó có VN phải đối mặt.

Chống gian lận học thuật: Cần sự quyết tâm ở tầm vĩ mô- Ảnh 1.

Báo Thanh Niên từng có loạt bài phản ánh “siêu nhân” làm dịch vụ đăng bài trên các tạp chí khoa học quốc tế

CUNG VÀ CẦU

Chia sẻ với tạp chí Science, TS Nicholas Wise, một nhà nghiên cứu động lực học chất lỏng tại ĐH Cambridge (Anh), cho biết: Là một chuyên gia chống gian lận khoa học, từ lâu anh đã chứng kiến hoạt động mua bán vị trí tác giả bài báo. Tình trạng này bắt nguồn từ áp lực công bố ngày càng tăng đối với các nhà khoa học trên toàn thế giới ngay cả khi họ thiếu nguồn lực để thực hiện nghiên cứu có chất lượng.

Để đáp ứng nhu cầu công bố của nhiều nhà khoa học, những dịch vụ trung gian ra đời (ở nhiều nước quy mô hoạt động của các đối tượng này giống như những công xưởng, công ty sản xuất bài báo khoa học). Các dịch vụ trung gian là đầu mối giúp các bên giao dịch ngầm (cũng có lúc công khai) hàng chục đến hàng trăm nghìn bài báo rởm, kém chất lượng mỗi năm.

Cũng theo Science, Trung Quốc là thị trường chính của các công xưởng bán bài báo rởm. Ở đất nước này, công bố bài báo vẫn là con đường dễ dàng nhất để được đề bạt và thăng tiến trong môi trường học thuật. Tuy nhiên, do không có thời gian hoặc không được đào tạo để làm nghiên cứu nghiêm túc, nhiều nhà khoa học sẵn sàng trả vài trăm, thậm chí hàng ngàn USD để có tên trong các bài báo, và xem đó như một khoản đầu tư "đáng đồng tiền bát gạo".

Tại Nga và một số nước hậu Xô Viết, những chính sách chú trọng các chỉ số trắc lượng về công bố (như số bài báo, số lượt trích dẫn, hệ số ảnh hưởng của tạp chí) kết hợp với môi trường tham nhũng sinh ra tình trạng tương tự.

Thành tích nghiên cứu cũng ngày càng trở nên quan trọng ở Ấn Độ khi các trường ĐH thi nhau chạy đua xếp hạng, còn các nhà nghiên cứu dùng nó để cạnh tranh việc làm tốt (một số trường ở Ấn Độ còn yêu cầu sinh viên ĐH phải công bố bài báo).

Ở VN, các lần điều tra khác nhau của Báo Thanh Niên cũng cho thấy từ khi chính sách của nhà nước và các trường ĐH đề cao công bố quốc tế, thị trường mua bán bài báo khoa học cũng hình thành và phát triển, với hình thức giao dịch rất đa dạng. Thậm chí đã có một số dịch vụ trung gian mua bán bài báo dưới vỏ bọc "tư vấn", "huấn luyện", "đào tạo"… Tiêu biểu có trường hợp Đinh Trần Ngọc Huy, "siêu nhân" làm dịch vụ đăng bài báo quốc tế (Thanh Niên đã có bài điều tra về hoạt động của ông Huy từ cách đây 2 năm).

Mới đây nhất, sau khi có kết quả xét GS, PGS năm 2023, Thanh Niên cũng nhận được đơn phản ánh của bạn đọc về một trường hợp ứng viên đạt tiêu chuẩn PGS ngành luật là khách hàng của Đinh Trần Ngọc Huy. Xem hồ sơ PGS của ứng viên này, chúng tôi nhận thấy ứng viên có 2 bài báo mà Đinh Trần Ngọc Huy đứng tên đồng tác giả. Ngoài ra, nhiều bằng chứng (như loạt bài của Thanh Niên về công xưởng bán bài ở Nga) cho thấy không ít nhà nghiên cứu VN là khách hàng của các dịch vụ sản xuất và bán bài báo khoa học.

Chống gian lận học thuật: Cần sự quyết tâm ở tầm vĩ mô- Ảnh 2.

CÁC NHÀ XUẤT BẢN BỊ "BAO VÂY TỨ PHÍA"

Trước khi có kết quả điều tra của ScienceThanh Niên vừa có bài tổng thuật, giới khoa học vẫn cho rằng sở dĩ hàng ngàn bài báo rởm của các dịch vụ trung gian, hoặc công xưởng bán bài có thể đăng trót lọt trên các tạp chí quốc tế là do quy trình bình duyệt lỏng lẻo, chuyên gia phản biện và ban biên tập thiếu trách nhiệm. Nhưng sau điều tra của Science, giới khoa học mới vỡ lẽ khi biết thêm một lý do tồn tại những bài báo rởm ngay trên các tạp chí tưởng chừng như đáng tin cậy.

Sau khi vụ bê bối bị phát hiện, các NXB tìm cách đóng vai trò "nạn nhân". Chia sẻ với Science, các NXB thừa nhận rằng họ đang bị "bao vây tứ phía". Một người phát ngôn của NXB Elsevier cho biết các biên tập viên của NXB này thường xuyên nhận được đề nghị "hối lộ". Giám đốc bộ phận đạo đức và liêm chính xuất bản của NXB Taylor & Francis cũng nói rằng nỗ lực hối lộ đã nhắm đến các biên tập viên của họ và đây là một mối quan ngại thực sự. Jean-François Nierengarten, nhà nghiên cứu tại ĐH Strasbourg kiêm đồng chủ biên chuyên san Chemistry-A European Journal thuộc NXB Wiley cho biết ông nhận được thư từ một người tự nhận là đang làm việc với các "học giả trẻ" ở Trung Quốc, đề nghị trả 3.000 USD cho mỗi bài báo mà ông giúp công bố trên tạp chí do ông phụ trách.

Tuy nhiên, theo nhận định của Science, các NXB không "vô tội". Sau khi phát hiện hoạt động của Công ty Olive Academic, tháng 7.2023, TS Nicholas Wise đã thông báo cho một số NXB lớn có liên quan. Hầu hết đều hứa sẽ điều tra và liên lạc lại. Tuy nhiên, đến nay TS Nicholas Wise chưa nhận được phản hồi nào. Phát biểu với Science, ông Matt Hodgkinson, chuyên gia của Văn phòng Liêm chính nghiên cứu của Anh, cho rằng sự cấu kết giữa công xưởng bán bài và biên tập viên tạo ra những băng nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện hành vi gian lận ở quy mô lớn.

Một số nhà khoa học VN cũng cho rằng họ nhận thấy thực ra các NXB rất tham lam. Mặc dù biết rằng các số đặc biệt là mục tiêu tấn công ưa thích của các công xưởng bán bài, nhiều nhà xuất bản vẫn tiếp tục mở hàng vạn số đặc biệt nhằm kiếm thêm phí đăng bài từ các tác giả.

Chống gian lận học thuật: Cần sự quyết tâm ở tầm vĩ mô- Ảnh 3.

Hình ảnh được quảng cáo trên Facebook về việc hối lộ ban biên tập nhiều tạp chí khoa học để đảm bảo công trình khoa học (bài báo) kém chất lượng của mình được xuất bản. (khi chưa bị xóa)

SCIENCE

NHỮNG ĐỘNG THÁI CỨNG RẮN CỦA CÁC NƯỚC

Như trên chúng tôi đã nói, các chiêu trò gian lận học thuật là vấn nạn nổi cộm của các nước có nền khoa học đang phát triển. Một số quốc gia bắt đầu nhận thấy mối nguy hiểm khi tình trạng này đe dọa tới sự phát triển khoa học ở đất nước mình, nên đã bắt đầu thể hiện những phản ứng cương quyết loại bỏ sự gian lận trong hoạt động khoa học.

Tháng 12.2023, Science đăng tin Peru tiến hành trấn áp những kẻ lừa đảo khoa học. Theo đó, các nhà lập pháp Peru sẵn sàng thông qua 2 đạo luật giúp điều tra và trừng phạt các nhà nghiên cứu có hành vi gian lận trong công bố khoa học, chẳng hạn như trả tiền để trở thành tác giả bài báo. Trước đó, cơ quan khoa học quốc gia Peru đã xóa tên 2 nhà nghiên cứu bị cáo buộc gian lận khỏi hệ thống đăng ký khoa học quốc gia Renacyt (việc có tên trong Renacyt là điều kiện cần để được nhận tài trợ từ Chính phủ, xem xét tăng lương hay đề bạt). Nhà chức trách Peru cũng đang điều tra thêm nhiều người khác sau khi 180 nhà khoa học nước này bị cáo buộc liên quan đến gian lận xuất bản, trong đó có 72 người có tên trong Renacyt đang làm việc tại 14 trường ĐH ở Peru.

Đầu năm 2022, Tờ Bưu điện Bangkok cũng đưa tin, Bộ GD ĐH, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới của Thái Lan (MHESI) đã phát hiện 33 nhà nghiên cứu từ 8 trường ĐH có hành vi gian lận khi trả tiền để đứng tên các công trình khoa học. Ngoài ra, MHESI sẽ điều tra thêm 100 giảng viên ĐH có hành vi tương tự. Bộ trưởng MHESI cũng kêu gọi các trường ĐH có động thái pháp lý đối với các trường hợp gian lận học thuật như đạo văn hoặc trả tiền mua bài.

Ở VN, dù truyền thông (tiêu biểu là Báo Thanh Niên) đã phản ánh nhiều trường hợp bị nghi ngờ mua bán bài báo hoặc có các hành vi khác vi phạm liêm chính khoa học, nhưng các bên liên quan đều tìm cách "xử êm", hoặc thậm chí lờ đi. Quyền quyết định chủ yếu được giao cho các hội đồng học thuật, những người không có chức năng và nghiệp vụ điều tra gian lận.

Gần như chưa có một cuộc điều tra nào từ các cơ quan chức năng đối với những cá nhân bị cáo buộc gian lận. Ngay cả đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách về liêm chính khoa học cũng đã bị Bộ KH-CN và Bộ GD-ĐT cho rằng chưa cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.