Không chỉ dự án chống ngập, mà tất cả các dự án từ giao thông, hạ tầng, nhà ở, cấp thoát nước... chậm tiến độ đều đóng góp trực tiếp hay gián tiếp vào tình trạng úng ngập đô thị ngày càng gia tăng tại các nội đô. Ví dụ TP.HCM ở thời điểm hiện tại, mưa ngập kết hợp triều cường khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân tại nhiều quận, huyện đảo lộn vất vả. Thế nhưng dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng dừng trước vạch đích mấy năm nay vẫn chưa thể hoàn thành. Nên cứ mỗi lần bì bõm lội nước, người dân lại bức xúc khi nhìn các công trường dở dang, rào chắn phơi nắng mưa chẳng biết đến bao giờ mới "chạy" tiếp. Đó là ở góc độ trực tiếp, và đó cũng chỉ là một dự án. Còn hàng loạt dự án nằm trên giấy, chậm tiến độ, dở dang... khác nữa thì công cuộc chống ngập bị ảnh hưởng biết bao nhiêu.
Ở góc độ gián tiếp, các dự án hạ tầng chậm tiến độ... không chỉ đội vốn mà phần thi công dở dang trên mặt đất cũng như dưới không gian ngầm cũng góp phần ngăn chặn dòng chảy, gây ngập úng cục bộ. Nhiều cái "cục bộ" cộng vào thì thành bức tranh ngập úng toàn bộ. Mà giải ngân đầu tư công của TP.HCM năm nay đang nằm trong nhóm có tỷ lệ thấp nhất cả nước, đồng nghĩa với hàng loạt dự án trọng điểm ì ạch, đóng góp hàng loạt cái "cục bộ" nói trên. Hay các dự án bất động sản dở dang cũng là tác nhân tương tự, không chỉ khiến người mua nhà, chủ đầu tư thiệt đơn thiệt kép mà bức tranh kẹt xe, ngập nước đô thị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi dự án nào cũng phải có hệ thống cấp, thoát nước; cũng phải đào móng, xây hầm... Dở dang nằm đó thì các hạng mục này cũng nằm yên không triển khai, thi công, hoạt động. Cứ mỗi cái một chút, cái tác động ít cái ảnh hưởng nhiều; cái trực tiếp cái gián tiếp... thành ra ngập cứ ngập, kẹt cứ kẹt và chống ngập thì ngày càng nan giải.
Trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí đã nêu rõ: Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu - nghèo. Một trong những hình thức lãng phí có thể nhìn thấy ngay được đó chính là những công trình nghìn tỉ chậm tiến độ, những dự án dừng trước vạch đích nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên không được triển khai, đưa vào sử dụng; các dự án treo chiếm đất vàng, đất bạc suốt năm này qua năm khác... khiến nguồn lực của đất nước không được phát huy... Những lãng phí dạng này tác động dây chuyền rất lớn đến kinh tế - xã hội, khó có thể đo đếm hết được.
Nhưng có một thực tế là rất ít truy cứu trách nhiệm về chậm tiến độ. Nên mới có tình trạng quy hoạch treo, dự án treo 2 - 3 thập niên ngay trung tâm, treo quyền lợi của biết bao người dân nhưng không có đích đến cụ thể. Cứ thỉnh thoảng cao điểm, họp bàn tháo treo, trả quyền lợi cho người dân; hô hào chủ đầu tư nào không triển khai thì thu hồi nhưng thực tế rất ít. Mà chậm tiến độ nếu tính đúng tính đủ còn gây thiệt hại, còn lãng phí hơn cả tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để.
Thiết nghĩ "điểm danh" các dự án chậm tiến độ, quy trách nhiệm cụ thể cho những người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền chính là việc phải thực hiện ngay, thực hiện sớm để chống lãng phí theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh.
Triều cường dâng cao, người dân khổ sở than thở 'đường như mặt biển'
Bình luận (0)