Yêu cầu cắt giảm nói trên của TP.HCM không phải là mới mà đã được Quốc hội ban hành bằng một đạo luật, sau đó nghị định của Chính phủ, thông tư bộ ngành ra đời đi kèm để hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước. Hằng năm, Chính phủ đều có kế hoạch và nhắc nhở việc này nhưng tình trạng tổ chức lễ lạt hoành tráng, tốn kém vẫn diễn ra cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn.
Chi phí cho một buổi lễ không chỉ gồm mặt bằng, bàn ghế, phông nền, hoa quả, âm thanh, ánh sáng, mà còn kinh phí đi lại của khách mời, đặc biệt là khách mời phương xa. Thậm chí, nhiều nơi còn vẽ vời thêm đồng phục, quà lưu niệm tặng đại biểu, tiệc tùng sau mỗi buổi lễ cùng nhiều thứ không tên khác. Kinh phí bình quân cho mỗi buổi lễ đón 200 khách ngốn khoảng 200 - 300 triệu đồng hoặc có thể nhiều hơn tùy theo quy mô khách mời cũng như độ “chịu chơi” của đơn vị tổ chức.
Về nguyên tắc, kinh phí này do chủ đầu tư thanh toán nhưng nhiều nhà thầu cho biết họ được vận động “gánh” thay để dự án được êm thuận trong quá trình thi công cũng như thanh quyết toán. Tuy nhiên, dù kinh phí từ ngân sách nhà nước hay của doanh nghiệp thì việc tổ chức rình rang, phô trương, tốn kém cũng là sự lãng phí không hề nhỏ. Trong khi đó, hậu quả của lãng phí đối với quốc gia không kém gì tham nhũng.
Bên cạnh đó, trong dự thảo quy định tổ chức lễ động thổ, khởi công và khánh thành công trình xây dựng đang được lấy ý kiến trình Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã nêu khá chi tiết về điều kiện, kinh phí, cách thức tổ chức. Cụ thể, chi phí được tính vào tổng dự toán xây dựng công trình, tối đa không quá 0,04% giá trị, nhưng không vượt quá 100 triệu đồng, nghiêm cấm chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thanh toán chi phí tổ chức, không phô trương hình thức, hạn chế mời khách ở xa, đưa đón khách mời bằng xe chung, nghiêm cấm việc tặng quà dưới bất kỳ hình thức nào, hạn chế tối đa việc tặng hoa…
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cần thiết và gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để công tác này đi vào thực chất, cần sớm lượng hóa việc tổ chức các buổi lễ bằng quy định cụ thể gắn với trách nhiệm của người đứng đầu để không thể tùy nghi muốn làm thế nào cũng được, mà ẩn đằng sau có thể là mầm mống của tiêu cực, nhũng nhiễu.
Bình luận (0)