Đã chi hơn 1 tỉ USD chống ngập nhưng TP.HCM... vẫn ngập. Bạn đọc Báo Thanh Niên cho rằng câu chuyện không chỉ nằm ở việc đổ ra bao nhiêu kinh phí mà còn ở ý thức xã hội, bao gồm từ chuyện xả rác cho đến quy hoạch đô thị.
Như Thanh Niên đưa tin, tại buổi họp báo sáng 9.6 về tình hình chống ngập, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết kinh phí mà TP.HCM đầu tư chống ngập đến nay là 25.998 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD, nhưng tình trạng ngập chỉ mới “được kéo giảm về số tuyến đường, chiều sâu và thời gian ngập”…
Chống ngập bằng cách chống… xả rác
Theo ông Vũ Văn Điệp, ngoài tốc độ đô thị hóa quá nhanh, việc người dân vứt rác bừa bãi đến mức gây tắc hố ga thoát nước, nghẽn dòng kênh, rạch… cũng gây nhiều khó khăn cho công tác chống ngập. Thẳng thắn thừa nhận điều này, bạn đọc (BĐ) Lê Hoài Nam nhận xét chính quyền “có chi bao nhiêu tỉ USD cho việc chống ngập mà ý thức kém về xả rác, chất thải, dầu mỡ... không được kiểm soát, thì TP.HCM vẫn ngập”. Cũng chính BĐ Lê Hoài Nam lo ngại rằng “điệp khúc ngập sẽ lặp đi lặp lại” cho đến khi nào “đầu tư chống ngập song hành với ý thức không xả rác nơi công cộng”.
Chuyện rác thải xả bừa bãi đến mức nghẽn cống rãnh, lấp cả đường thoát nước không phải mới, nhưng “đã có biện pháp chế tài mạnh nào với hành vi vứt rác bừa bãi, lấn chiếm kênh rạch, hay quy trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu các cấp phường, quận để xảy ra các tình trạng tương tự?”, BĐ Anh lái tàu họ Nhạc đặt câu hỏi. Có cùng nỗi băn khoăn, BĐ Truong Bui cho rằng: “Ý thức người dân kém thì cho dù chống hàng chục năm vẫn cứ ngập, chỉ tốn tiền ngân sách thôi”.
Nhưng “điệp khúc ngập” đâu thể chỉ quy cho việc xả rác? BĐ Đan Hùng cho rằng TP.HCM “là một vùng đất thấp, thấp dần từ phía tây bắc đến đông nam, lại gần kênh rạch, nên bị ảnh hưởng nặng bởi triều cường”. Một khi đã chịu ảnh hưởng của triều cường, theo BĐ Đan Hùng: “Việc dẫn nước ra sông Sài Gòn xem ra không khả thi, có khi nước lại chảy ngược về thành phố”.
Ngập do đâu thì gỡ từ đó
Từ lập luận trên, BĐ Đan Hùng góp ý: “TP.HCM cần xác định vùng nào ngập do mưa, vùng nào ngập do triều cường, vùng nào do cả hai nguyên nhân”. Nhiều BĐ đồng ý rằng “ngập do đâu thì gỡ từ đó”, ngập do mưa thì khai thông cống rãnh, cấm vứt rác làm nghẹt cống; ngập do triều thì dùng cống có van một chiều kết hợp đê bao; ngập do cả triều và mưa thì mới cân nhắc việc nâng đường…
Theo ông Điệp, với một thành phố lớn, đông dân, tốc độ phát triển nhanh như TP.HCM, trong điều kiện thời tiết cực đoan như những trận mưa lớn, vũ lượng cao, thời gian mưa ngắn thì “chưa thể tránh khỏi ngập một số tuyến đường, một số điểm trong đô thị”.
BĐ Anh lái tàu họ Nhạc lưu ý ở TP.HCM “gần như mưa là ngập chứ không phải cá biệt vài trận mưa bị ngập, nên không thể gọi đây là những trận lớn vượt quá thiết kế, mà phải xem xem liệu thiết kế có sai”. Vậy một nguyên nhân ngập khác “có phải là do quy hoạch đô thị không tốt?, như BĐ Nghĩa Ngô nêu, vì “không thể nói do đô thị hóa mà gây ngập. Singapore nhìn đâu cũng thấy chung cư, nhưng hệ thống thoát nước của họ phải nói là quá tốt”. Tán thành, BĐ Vinh Ngô nhận xét: “Lấn chiếm sông rạch, thu hẹp dòng chảy là vấn đề gây ngập. Ở TP.HCM chỉ thấy lấp sông làm đường chứ chưa thấy mở rộng kênh, sông, rạch lần nào”.
TP.HCM nên tạo vành đai thoát nước bằng đường hầm thoát nước bao quanh thành phố thông qua các hệ thống cống thoát nước thì có thể chống được ngập.
Q.V
Nếu chỉ chống ngập theo kiểu nơi nào ngập lại nâng đường thì 10 tỉ USD cũng không đủ, không hết ngập. Nhà nước bỏ ra 2 tỉ để nâng đường thì người dân cũng phải bỏ ra tầm đó để nâng nhà theo.
Saigonboy
|
Bình luận (0)