'Chống sốc' cho học sinh với cách ra đề thi mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/03/2024 06:06 GMT+7

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nơi thì cho học sinh lớp 11 thi thử; nơi giáo viên, thậm chí lãnh đạo sở GD-ĐT, cũng làm thử đề minh họa để có cách dạy học và đánh giá phù hợp.

HỌC SINH LỚP 11 THI THỬ THEO CÁCH RA ĐỀ MỚI

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều địa phương đã nhanh chóng áp dụng vào dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách ra đề mới để giúp học sinh (HS) quen dần.

Ngày 12.3 vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức cho HS lớp 11 toàn TP làm bài khảo sát theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 môn là ngữ văn và toán. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát là căn cứ để Sở cũng như các trường có định hướng trong chỉ đạo, tổ chức dạy - học, đặc biệt là giúp HS có thêm kênh tiếp cận, làm quen dần với cấu trúc định dạng đề thi theo chương trình mới, từ đó sẵn sàng tâm thế, kỹ năng đáp ứng tốt với yêu cầu mới.

Nguyễn Trần Phương Anh, HS lớp 11 Trường THPT Quang Trung, chia sẻ kỳ khảo sát này không tính điểm vào học bạ nên HS tham dự với tâm lý khá thoải mái. Cách ra đề cũng theo đề minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố cuối năm 2023 nên HS không quá bất ngờ. Tuy nhiên, đề toán thì phần cuối rất khó, còn đề văn thì lúng túng, nhất là ngữ liệu mới hoàn toàn, không có trong sách giáo khoa (SGK) mà em được học.

'Chống sốc' cho học sinh với cách ra đề thi mới- Ảnh 1.

Các địa phương có nhiều cách khác nhau để giúp học sinh lớp 11 làm quen với hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhận xét về môn toán trong đợt khảo sát nói trên, ông Trần Mạnh Tùng, phụ trách một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở Hà Nội, cho rằng đề thi có 2 phần đúng như cấu trúc định dạng mà Bộ GD-ĐT đã công bố. Phần thứ 3 phân hóa khá mạnh với 0,5 điểm mức thông hiểu; 1,5 điểm mức vận dụng. HS làm tốt phần này đòi hỏi phải nắm vững kiến thức, có khả năng suy luận, vận dụng và tính toán. Với dạng thức thứ 3 này, để tô phiếu trả lời trắc nghiệm đúng thì HS cần được hướng dẫn, thực hành tốt từ trước đó.

Theo ông Tùng, với đề thi toán trên, HS trung bình đạt khoảng 5 - 6 điểm; HS khá giỏi đạt 7 - 8 điểm; số điểm từ 9 trở lên sẽ dưới 7%. Điểm thi nói chung sẽ không cao do đề phân hóa khá mạnh, nội dung câu hỏi bao quát và chủ yếu nằm trong học kỳ 1, cấu trúc đề thi mới và HS có ít thời gian để ôn.

GIÁO VIÊN NÓI GÌ ?

Với môn ngữ văn, điểm mới đáng chú ý nhất và cũng là khó khăn lớn nhất là đề thi mới sẽ không dùng ngữ liệu trong bất cứ SGK nào.

Theo bà Phạm Thái Lê, giáo viên (GV) Trường Marie Curie (Hà Nội), việc không sử dụng ngữ liệu trong SGK trong đề thi của các kỳ thi lớn là phù hợp khi có nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, không nên đặt ra yêu cầu quá cao khi cách ra đề này vẫn còn mới mẻ.

Bà Lê chia sẻ thêm, nếu đòi hỏi người làm bài (HS phổ thông) trong khoảng thời gian thi làm đủ các ý như đáp án của người ra đề là bất công, phi lý, chưa kể mỗi người sẽ cảm nhận về tác phẩm khác nhau. Vì vậy, không thể chỉ có một đáp án đúng. Hơn nữa, việc phân tích một tác phẩm văn học không phải, không nên là mục tiêu chính của việc dạy và học văn.

Từ chia sẻ ấy, bà Phạm Thái Lê đề nghị cách chấm bài theo cách ra đề mới cần thay đổi. Với bài nghị luận văn học, nếu đáp án có 5 ý, HS làm được 2 ý thì chấm điểm tối đa (của quỹ điểm nội dung câu đó). Đặc biệt là không được đòi hỏi HS làm đủ ý của thầy mới cho điểm tối đa.

Phần viết của cả 2 dạng bài thì chú trọng chấm về cách dùng từ ngữ, cách đặt câu, cách lập luận, cách tổ chức văn bản và sắp xếp ý (tùy theo yêu cầu cần đạt của cấp học, lớp học). Tức là tập trung đánh giá năng lực biểu đạt, cái đích của dạy - học văn trong nhà trường. Có như vậy thì mục tiêu của Chương trình 2018 mới thực sự hiệu quả.

Bà Phạm Hà Thanh, GV môn ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông (Hà Nội), cũng cho rằng việc đưa ngữ liệu không có trong SGK vào đề kiểm tra thời gian đầu sẽ phải chấp nhận kết quả không cao như trước. Điều này là dễ hiểu và dễ thông cảm vì các em học và thi theo chương trình mới nhưng có tới 9 năm học chương trình cũ, kiểm tra đánh giá theo kiểu cũ.

Do vậy, bà Thanh đồng tình phải hạ yêu cầu và thay đổi cách tính điểm, không nên đặt ra yêu cầu quá cao, quá cầu toàn. Bà Thanh đánh giá việc đề minh họa giới hạn số chữ trong bài làm của HS ở mỗi phần, quy định số lượng tối đa của các ngữ liệu nêu trong đề (không vượt quá 1.300 chữ) là cần thiết để phù hợp với thời gian thi, trình độ tiếp nhận của HS và việc trình bày đề thi...

'Chống sốc' cho học sinh với cách ra đề thi mới- Ảnh 2.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2023

ĐÀO NGỌC THẠCH


TÁC ĐỘNG MẠNH TỚI VIỆC DẠY VÀ HỌC

Ông Đinh Văn Khâm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, cho biết Sở đã tổ chức hội nghị GV cốt cán để nghiên cứu đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đến thời điểm này, các trường THPT tại Ninh Bình cơ bản triển khai kiểm tra, đánh giá theo định dạng đề minh họa Bộ GD-ĐT công bố.

Đánh giá về cấu trúc định dạng đề thi mới, ông Khâm nhấn mạnh với đề thi này, HS không thể học tủ mà phải học rộng, học đủ mới trả lời được các câu hỏi. Câu trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm trả lời ngắn có nội dung hàm lượng đủ sâu, đánh giá được năng lực tư duy, vận dụng kiến thức sáng tạo để giải quyết các vấn đề từ lý thuyết đến thực tiễn.

"Tôi ngồi giải đề toán và thấy đề đã giảm căn bản khả năng may rủi trong làm bài. Từ đó, kết quả thi, kiểm tra sẽ phản ánh chính xác quá trình dạy học", ông Khâm chia sẻ và khẳng định đề minh họa và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có tác động mạnh tới việc dạy và học của GV, HS.

GV phải dạy kỹ, căn bản, đầy đủ thì mới phủ hết kiến thức để HS hoàn thành bài thi. Thầy cô cũng phải dạy phương pháp tư duy, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn; lập luận, quy trình tính toán, vững vàng công thức mới giải quyết được các câu hỏi trả lời ngắn, đúng/sai một cách hoàn thiện. Muốn đạt điểm cao, HS phải học thật, vững vàng, tư duy mạch lạc. 

Bộ GD-ĐT cần tập huấn cho GIÁO VIÊN về cách ra đề mới

Một trong những chủ trương của Bộ GD-ĐT là huy động trí tuệ của toàn ngành trong việc xây dựng ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT.

Ông Đinh Văn Khâm cho rằng nếu tích cực, chủ động và chỉ đạo đồng bộ, cả nước cùng làm sẽ nhanh chóng có được ngân hàng đề với bộ câu hỏi sát thực tiễn. Theo ông, điều lệ nhà trường ghi rõ trách nhiệm kiểm tra định kỳ là của hiệu trưởng. Nhưng hiệu trưởng, ban giám hiệu không thể ra đề kiểm tra nên phải trông chờ vào GV trực tiếp giảng dạy. Tự dạy, tự kiểm tra, đánh giá thì khó khách quan vì yếu tố chủ quan của GV dạy vẫn cao. Nếu có một ngân hàng câu hỏi đủ lớn để các nhà trường khai thác, xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kỳ độc lập với việc dạy của GV thì rất ý nghĩa. Khi đó, hiệu trưởng tin cậy vào kết quả đánh giá học sinh; GV phải nỗ lực dạy để trò đạt chất lượng tốt. Từ đó, ông Khâm đề nghị Bộ GD-ĐT sớm triển khai xây dựng ngân hàng đề.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm lựa chọn đội ngũ ra đề thi, đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đề thi.

Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn, đề nghị Bộ GD-ĐT cần tập trung tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi; công bố sớm đề minh họa khi đã có SGK lớp 12 mới; có hướng dẫn trong công tác kiểm tra, đánh giá kỹ hơn, đặc biệt với môn mới đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 như tin học, công nghệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.