‘Chốt’ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1.7.2022

Thu Hằng
Thu Hằng
12/04/2022 12:47 GMT+7

Phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa kết thúc cách đây ít phút đã thống nhất đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 và ở mức 6%.

Sáng nay 12.4, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 thương lượng phương án tăng lương tối thiểu vùng.

Phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia sáng nay đã chốt đề xuất phương án lương tối tiểu vùng tăng từ 1.7.2022

T.Hằng

Tại phiên họp này, đại diện cho phía người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1.7.2022, với mức tăng từ 270.000 - 330.000 đồng, bình quân tăng 8,16% so với năm 2020 - 2021.

Phương án 2: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1.7.2022, với mức tăng từ 230.000 - 300.000 đồng, bình quân tăng 7,25% so với năm 2020 - 2021.

Còn đại diện các hiệp hội thuộc Hiệp hội Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa nhiều phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 3 - 6 % và tăng từ 1.1.2023.

Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương đưa ra phương án tăng từ 5 - 6,18%.

Sau một buổi sáng thảo luận với nhiều ý kiến và phương án khác nhau, Hội đồng tiền lương quốc gia đã quyết định chọn 1 phương án thống nhất tăng 6% từ 1.7.2020 để bỏ phiếu.

Kết quả, 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1.7.2022 đến 31.12.2023 và 2/17 thành viên đồng ý tăng từ 1.1.2023.

Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng đồng

Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng

Vùng 3 tăng 240.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng

Vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng

Chia sẻ với báo chí sau cuộc họp ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho hay, mặc dù phương án “chốt” cuối cùng thấp hơn phương án đại diện cho người lao động đưa ra. Tuy nhiên, các bên đều thể hiện sự chia sẻ với người lao động, với doanh nghiệp và Chính phủ để cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn.

Lý giải về việc quyết định tăng từ 1.7 thay vì tăng từ 1.1 như các năm trước đây, ông Hiểu chia sẻ: “Hơn 1 năm rưỡi qua người lao động đã không được tăng lương, hiện tại kinh tế đã phục hồi, dịch bệnh đã được kiểm soát, các bên đều nhận thấy thời điểm này phù hợp để tăng lương. Việc tăng lương là để giúp người lao động vượt qua khó khăn và cũng là động lực để họ nâng cao năng suất lao động”.

Đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho rằng, phương án tăng từ 1.7 các doanh nghiệp sẽ vất vả và khó khăn hơn. Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận với mức % đồng ý rất là cao.

Đây là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp chấp nhận mức điều chỉnh này, họ cũng cần có sự tham gia tích cực hơn của người lao động trong việc đồng hành với doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.