Chủ động đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm

02/11/2020 06:14 GMT+7

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh, thành về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn, diễn ra hôm qua (1.11) tại tỉnh Quảng Nam.

Sớm có bản đồ về cảnh báo sạt lở

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin bão số 9 gây ra thiệt hại nặng nhất là ở vùng núi của tỉnh với 23 người chết, 24 người mất tích, 81 người bị thương. “Tỉnh mong Thủ tướng và Bộ TN-MT quan tâm giúp các tỉnh miền Trung và phía bắc sớm có bản đồ về cảnh báo sạt lở, tai biến địa chất ở tỷ lệ 1/1.000. Hiện nay có bản đồ nhưng tỷ lệ lớn nên khó xác định được khu vực sạt lở. Tùy theo đặc điểm từng vùng phải có nghiên cứu sâu, đề nghị Bộ TN-MT cử các chuyên gia vào vùng núi Quảng Nam nghiên cứu và có khuyến cáo kịp thời, nhất là trong mùa mưa bão này”, ông Thanh nói và kiến nghị Chính phủ cũng cần đẩy mạnh công tác sắp xếp dân cư miền núi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, động viên các gia đình bị sập nhà tại xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) vào sáng 1.11 Ảnh: Hoàng Sơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, động viên các gia đình bị sập nhà tại xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) vào sáng 1.11

Ảnh: Hoàng Sơn

Cô giáo khóc trên trực thăng, cảm ơn quân đội đưa ra khỏi vùng sạt lở

Ông Trần Văn Sơn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng công trình chịu được sạt lở là rất khó mà giải pháp là chỉ có di dời dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao đến vùng an toàn. “Ở miền Trung, nhất là ở Tây Giang (Quảng Nam) đã làm tốt và di chuyển dân đến điểm làng an toàn. Tây Giang là mẫu mực di dời dân cư nhờ tuyên truyền tốt nên bà con tự di dời nhà. Đó là giải pháp căn cơ nhất”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết hôm nay (2.11) Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan gồm các chuyên gia thị sát miền Trung, qua đó rà soát các quy định về lựa chọn các điểm xây dựng các công trình. Ông Hà cho hay, vừa qua Bộ Quốc phòng cũng đã có quyết định rà soát lại các điểm xây dựng doanh trại sau vụ sạt lở tại Đoàn 337 (Quảng Trị).

Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 3 hoang tàn sau sạt lở

Tìm nơi an toàn đưa dân đến ở

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà thừa nhận bản đồ địa hình tỷ lệ rộng nên khó dự báo chi tiết về địa chất, thổ nhưỡng… Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, hầu hết các điểm sạt lở từ Quảng Trị - Quảng Nam có yếu tố nội sinh rất rõ ràng. Trên bản đồ cho thấy từng xảy ra sạt lở, nằm trên dãy đứt gãy, đất đá phong hóa lớn dày đến 15 - 16 m... “Đất đá vùng này vỡ vụn. Nguyên nhân nội sinh là nguyên nhân chính”, ông Hà nói. Riêng ở Trà Leng, ông Hà cho rằng có nhiều khu vực dân cư ổn định nhiều năm cho nên ngoại sinh là yếu tố chính. Bởi trong 20 ngày phải chống chọi 4 cơn bão và 1 cơn áp thấp nhiệt đới với lượng mưa kỷ lục.
Theo ông Trần Hồng Hà, Bộ TN-MT sẽ nghiên cứu toàn bộ khu vực này để đưa ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng khi làm các công trình giao thông, thủy điện… đã gia tăng các yếu tố ngoại sinh. “Bộ TN-MT sẽ bố trí chuyên gia nghiên cứu lâu dài và tham mưu để tránh các rủi ro. Khi làm các công trình chưa nghiên cứu sạt lở đất, lũ quét…, đặc biệt là các hồ thủy điện, hồ chứa, các công trình cần phải có con số chính thức về địa chất, số liệu với tỷ lệ 1/500”, ông Hà nhấn mạnh.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hệ thống chính trị địa phương cần tìm nơi thuận lợi, an toàn hơn để đưa người dân đến ở. “Tôi đã lưu ý các địa phương từ lâu rồi, chúng ta sớm di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng không đơn giản vì đó là nơi người ta đã sống cả trăm năm…”, Thủ tướng nhìn nhận. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải đề phòng bão số 10. “Nhất là sạt lở núi ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… chứ không chủ quan. Sớm dự báo cơn bão số 10 tác hại đến đâu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẵn sàng triển khai lực lượng, cần thiết huy động máy bay trực thăng, tàu thủy để vận chuyển lương thực cứu trợ... Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cân đối đủ nguồn lực từ ngân sách nhà nước để khắc phục hậu quả bão lũ. Ngân hàng Nhà nước giảm, miễn, xóa nợ cho các hộ dân bị thiệt hại thông qua ngân hàng chính sách và các ngân hàng khác…

Không để dân chịu cảnh màn trời chiếu đất

Trước đó, vào sáng 1.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm người dân Quảng Ngãi bị thiệt hại trong cơn bão số 9. Thủ tướng đến tận nhà thăm, động viên, tặng 20 triệu đồng cho 2 hộ bị sập nhà trong bão số 9, gồm: hộ ông Trần Văn Đô (ở TT.La Hà) và hộ ông Cao Văn Phụng (ở xã Nghĩa Trung, H.Tư Nghĩa); đến thăm Trường THCS TT.Châu Ổ (H.Bình Sơn), trò chuyện với các giáo viên và các cán bộ, chiến sĩ giúp trường khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra tại đây.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý lãnh đạo Quảng Ngãi huy động tổng lực khắc phục hậu quả của bão lũ, ưu tiên sửa chữa nhà ở cho dân bị sập nhà, hư hỏng, tốc mái và tuyệt đối không để dân chịu cảnh màn trời chiếu đất, thiếu ăn, chịu rét.
Tại Quảng Nam, thủ tướng lưu ý bệnh viện đa khoa tỉnh hết sức chăm sóc cho bệnh nhân, lo toan từ ăn ở, đi lại, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nhà bệnh nhân bị thương do sạt lở ở Trà Leng (H.Nam Trà My); các cấp chính quyền, y tế địa phương tiếp tục chăm sóc gia đình bị nạn kịp thời hơn nữa để những gia đình này sớm vượt qua khó khăn, đau thương, ổn định cuộc sống…

Gian nan băng rừng, lội suối cõng hàng cho 3.000 người dân kêu cứu vì sạt lở

Một số thủy điện chưa làm đúng quy định phòng chống thiên tai

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết miền Trung hiện có 372 thủy điện đang vận hành, 34 thủy điện đang xây dựng, trong đó Quảng Nam có nhiều nhất với 22 dự án vận hành, 7 dự án đang xây dựng. Tuy nhiên, theo ông có một số dự án làm chưa đúng quy định theo phương án phòng chống và ứng phó với thiên tai và yêu cầu các địa phương rà soát tất cả các dự án này. Ông cũng cho biết, Bộ sẽ xem xét những công trình thủy điện quy mô nhỏ không có ý nghĩa lớn với cấp điện, với địa phương thì sẽ không đưa vào quy hoạch. 

Dốc toàn lực tìm kiếm người mất tích ở Trà Leng

Ngày 1.11, ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết đã điều động 32 ghe thuyền để tìm kiếm các nạn nhân mất tích bằng đường sông. Lực lượng chức năng tìm kiếm trên diện tích hơn 200 ha mặt nước, nhưng do lượng rác dày khoảng 40 cm phủ kín mặt nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng trên bộ với hơn 500 người và chó nghiệp vụ vẫn tiếp tục tìm kiếm.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào chiều 1.11, tại hiện trường trời mưa lớn, lực lượng Công an H.Nam Trà My đã rào dây phong tỏa hiện trường để đảm bảo an toàn.

Theo dấu quạ đen trên sông Tranh, tìm người Trà Leng đang mất tích vì sạt lở

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Trong lúc tìm kiếm bằng đường sông, lực lượng chức năng phát hiện một cồn đất nổi lên giữa ngã ba sông Tranh, trước đây không có. Giả thiết đặt ra những nạn nhân bị vùi lấp tại đây. Hôm nay (2.11), sẽ đưa xe cơ giới tiếp cận tìm kiếm tại cồn đất giữa sông này”. Ông Bửu nhấn mạnh, lực lượng chức năng sẽ dốc toàn lực để khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích vì bão số 10 đang tiến vào Biển Đông, thời tiết xấu gây nguy hiểm.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết liên quan sự cố nhiều công nhân, cán bộ thủy điện Đăk Mi 2 bị mắc kẹt, cô lập ở xã Phước Công (H.Phước Sơn), trong ngày 1.11, 48 người còn lại đã được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài an toàn, nâng tổng số người thoát nạn lên 215 người.
Huy Đạt - Mạnh Cường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.