Chủ nhà trọ bị tố không trả tiền cọc: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

04/06/2022 12:02 GMT+7

Liên quan vụ việc chủ nhà trọ không trả hơn 150 triệu đồng tiền cọc của hơn 40 sinh viên, theo chuyên gia luật, chủ nhà trọ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 3.6, hơn 40 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã gửi đơn đến Báo Thanh Niên về vụ việc bà Nguyễn Thị Hương, chủ khu trọ 22/10 Tân Lập, P.Đông Hòa (TP.Dĩ An, Bình Dương) không trả hơn 150 triệu đồng tiền cọc khi dãy trọ bị cơ quan chức năng cưỡng chế.

Rớt nước mắt cảnh sinh viên không có chỗ ở, chủ nhà trọ không trả tiền cọc

Theo các sinh viên, khi cho thuê trọ, bà Hương yêu cầu sinh viên thuê trọ phải đặt cọc 3 tháng cho mỗi phòng; trung bình mỗi sinh viên cọc từ 3 - 4,5 triệu đồng. Đến sáng 31.5, khu nhà trọ của bà Hương bị UBND TP.Dĩ An cưỡng chế, thu hồi do nằm trong quy hoạch xây dựng ĐH Quốc gia TP.HCM. Sau đó, điện thoại của bà Hương không liên lạc được, nhiều sinh viên đi tìm bà Hương để lấy lại tiền cọc nhưng bất thành.

Sinh viên có thể khởi kiện

Theo Luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), căn cứ theo Khoản 1, Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2005, tiền đặt cọc là khoản tiền để bảo đảm thực hiện hợp đồng sẽ phải trả lại khi chấm dứt hợp đồng.

“Hợp đồng thuê trọ bị chấm dứt khi đối tượng hợp đồng đã không còn, trong trường hợp này, khu trọ của bà Hương đã bị cưỡng chế tháo dỡ. Việc thuê phòng trọ của sinh viên có hợp đồng, có thể hiện bà Hương đã nhận số tiền đặt cọc. Khu trọ bị cưỡng chế, tháo dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên các em sinh viên không vi phạm hợp đồng, chủ nhà trọ phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận cọc của các sinh viên thuê trọ”, LS Tuấn thông tin.

Sinh viên đội mưa đi tìm bà Hương đòi lại tiền cọc

TRẦN DUY KHÁNH

Theo LS Tuấn, trường hợp chủ nhà trọ không trả lại tiền cọc, các sinh viên có thể khởi kiện chủ nhà trọ ra toà án để đòi lại tiền đặt cọc. Nếu chủ nhà trọ đã nhận được quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế trước đó mà vẫn cho thuê, có thể bổ sung yêu cầu khởi kiện là phạt cọc (thêm một khoản bằng tiền đặt cọc).

Nếu không khởi kiện, các em sinh viên có thể làm đơn tố giác hành vi của bà Hương lên Công an TP. Dĩ An (Bình Dương) để yêu cầu xử lý.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ nhà trọ

Theo LS Tuấn, việc chủ nhà trọ không trả hơn 150 triệu đồng tiền cọc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp bà Hương biết đã có quyết định cưỡng chế, thu hồi đất ở khu trọ, nhưng vẫn cho thuê, lập hợp đồng cho thuê nhưng không ghi rõ việc hoàn trả cọc và nhận tiền cọc nhằm chiếm đoạt thì có thể thấy, ý thức chiếm đoạt tài sản đã hình thành từ trước, thủ đoạn gian dối là thông qua hợp đồng dù biết nhà sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ nhưng vẫn cho thuê để nhận tiền cọc.

"Trường hợp này, bà Hương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành (BLHS) khung hình phạt thấp nhất cải tạo không giam giữ đến 3 năm đến tù chung thân", LS Tuấn nói.

Thông báo cưỡng chế các công trình trên khu đất của vợ chồng bà Hương

TRẦN DUY KHÁNH

Trường hợp cho thuê trọ khi chưa có quyết định cưỡng chế, thu hồi đất ở khu trọ và việc nhận tiền cọc thông qua hợp đồng khi chưa biết sẽ bị cưỡng chế, thu hồi đất ở khu trọ thì ý thức chiếm đoạt phát sinh, hình thành sau khi đã nhận tiền cọc và bị cưỡng chế tháo dỡ. Ở trường hợp này, hành vi của bà Hương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 BLHS, khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm đến 20 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.