Sáng 18.1, tại Hà Nội, Quỹ VinFuture đã tổ chức sự kiện giao lưu cùng các nhà khoa học tham gia các hội đồng sơ khảo, hội đồng giải thưởng VinFuture.
Một trong 3 phiên trò chuyện của cuộc giao lưu có chủ đề: “Cơ hội tương lai và Kết nối mạng lưới toàn cầu”. Tham gia chủ đề này có các nhà khoa học thành viên Hội đồng giải thưởng, gồm GS Gérard Albert Mourou, GS Vũ Hà Văn, TS Padmanabhan Anandan và TS Bùi Hải Hưng, Hội đồng sơ khảo.
Mở đầu phiên trò chuyện, GS Gérard Albert Mourou, chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2018, giới thiệu hiện tại ông đang nghiên cứu một lĩnh vực quan trọng là năng lượng. “Nguồn năng lượng dồi dào an toàn là đam mê của tôi”, GS Mourou nói.
Theo GS Mourou, hiện nay với năng lượng tái tạo, chúng ta phụ thuộc vào mặt trời, gió, sinh học… nhưng lại bỏ qua nguồn năng lượng hạt nhân. Vì thế, ông cho biết bản thân đang nỗ lực thúc đẩy năng lượng hạt nhân nhưng không phải nguồn năng lượng từ uranium mà là thorium, một khái niệm còn lạ tai với nhiều người, nhưng đây lại là năng lượng đa dạng nhất về quy mô. Thorium là một loại năng lượng đa dạng nhất, tính theo đơn vị gietaru, là 1,3 triệu. Trong khi cacbon, than đá chỉ có 1 gietaru.
“Đây là lĩnh vực thúc đẩy nghiên cứu mang lại thành công cho tôi giải Nobel vật lý. Trên thế giới không có gì không liên quan tới năng lượng, từ cây cối cho đến con người. Mà thorium thì dồi dào, có thể được khai thác để phục vụ con người mà không cần lo về sự hạn chế năng lượng như hiện nay. Nó có thể đáp ứng 10 tỉ người, gấp 20.000 lần năng lượng hiện tại”, GS Mourou chia sẻ.
GS Mourou cũng cho biết đây là một lĩnh vực rất cần có sự hợp tác của nhiều nhà khoa học của nhiều quốc gia ở khắp mọi châu lục. Cơ hội hợp tác rộng mở, đặc biệt là với các nhà khoa học trẻ, ở các nước đang phát triển. Vấn đề là mọi người cần phải suy nghĩ để có giải pháp giải quyết vấn đề thúc đẩy năng lượng thorium.
“Phải cùng nhau nghĩ làm thế nào để có năng lượng để đáp ứng mọi nhu cầu của con người, ai cũng có khả năng chi trả cho nhu cầu năng lượng của mình, mà năng lượng đó an toàn cho môi trường. Ta phải nghĩ ra giải pháp, ta sẽ có giải pháp”, GS Mourou khẳng định.
Giáo sư Gérard Albert Mourou là nhà khoa học người Pháp - chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018 với phát minh về kĩ thuật laser, tạo ra xung động quang học siêu ngắn cường độ cao - điều từ trước đến nay luôn bị coi là rào cản trong khoa học. Khó khăn trước đây là điện trường laser cao khiến các thiết bị quang học bị phá hỏng. Đây là ứng dụng vô cùng thiết thực để tạo nên những tia laser siêu mạnh giúp phẫu thuật nhưng không tổn hại khu vực xung quanh, đặc biệt tích cực trong phẫu thuật giác mạc và dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến liệu pháp điều trị ung thư và các nghiên cứu vật lý khác trong tương lai.
Bình luận (0)