Hội đồng giải thưởng VinFuture: nhiều tên tuổi 'khủng' trong giới khoa học toàn cầu

Quý Hiên
Quý Hiên
14/01/2022 18:30 GMT+7

Lễ trao giải thưởng VinFuture lần đầu tiên sẽ được tổ chức tối 20.1 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là một trong những giải thưởng có giá trị nhất thế giới . Tham gia hội đồng giải thưởng có nhiều nhà khoa học lừng danh.

Quỹ VinFuture thông báo, tối 20.1, tại Nhà hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra lễ trao giải thưởng VinFuture.

Trong đó, phần lễ sẽ được tổ chức theo nghi lễ trang trọng nhất với sự chứng kiến của lãnh đạo nhà nước Việt Nam, và các nhà khoa học kiệt xuất, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá thế giới như Nobel, Millennium Technology, Turing…

Hội đồng giải thưởng VinFuture gồm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín quốc tế đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới

chụp tài liệu

Tiếp đó là phần biểu diễn nghệ thuật được thiết kế riêng cho lễ trao giải, với sự tham gia của hai ngôi sao nổi tiếng từng đạt nhiều giải thưởng hàn lâm danh giá về âm nhạc là nghệ sĩ John Legend và nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.

Lễ trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và livestream thông qua các kênh truyền thông quốc tế chuyên về khoa học công nghệ.

Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện lễ trao giải VinFuture lần thứ 1, diễn ra từ ngày 18 đến 21.1, tại Hà Nội. Đây là chuỗi sự kiện tầm cỡ quốc tế, quy tụ các nhà khoa học kiệt xuất thế giới về Việt Nam để cùng chung tay thúc đẩy sứ mệnh phụng sự nhân loại một cách thiết thực và hiệu quả.

Một cuộc họp trực tuyến của Hội đồng giải thưởng VinFuture

Lâm Thanh

Quỹ VinFuture đã mời được những tên tuổi “khủng” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ khác nhau tham gia hội đồng giải thưởng. Họ là các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín quốc tế đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Những thành tựu và đóng góp của họ trong các ngành khoa học - công nghệ đã góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại và được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu. Hội đồng giải thưởng chịu trách nhiệm xác lập quy trình quản lý giải thưởng, đưa ra các tiêu chí đánh giá và lựa chọn người đạt giải.

Chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018 và cha đẻ công nghệ OLED sẽ đến Việt Nam

Trong số đó, trước hết có thể kể đến nhà khoa học người Pháp, GS Gérard Mourou, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018, là người tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật điện và laser. Năm 2018, ông được trao giải Nobel Vật lý cùng với đồng nghiệp của mình (GS Donna Strickland) nhờ phát minh ra phương pháp khuếch đại xung chirped, một “phương pháp tạo ra xung quang cực ngắn, cường độ cao”.

Công trình sáng tạo của họ có thể được tìm thấy trong các ứng dụng bao gồm phẫu thuật sửa mắt, và dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến liệu pháp điều trị ung thư và các nghiên cứu vật lý khác trong tương lai.

GS Gérard Mourou

TL

GS Mourou cũng có nhiều đóng góp trong lĩnh vực laser cực nhanh, điện tử tốc độ cao và y học. Những công bố khoa học mang tính đột phá của ông đã được tôn vinh bằng nhiều giải thưởng danh giá toàn cầu từ năm 1995 đến nay.

Không chỉ tham gia hội đồng giải thưởng, sắp tới, GS Mourou cũng sẽ lần đầu đến Việt Nam, tham dự các hoạt động trong chuỗi sự kiện lễ trao giải VinFuture lần thứ 1.

Tiếp theo có thể kể đến GS Sir Richard Henry Friend, một nhà khoa học vật lý đang làm việc tại Đại học Cambridge (Anh) và là Giám đốc Chương trình Winton về Vật lý bền vững của Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge. Ông là một trong các nhà vật lý có ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố khoa học uy tín trên thế giới.

Nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất trong các nghiên cứu của GS Sir Richard Henry Friend là nghiên cứu về OLED được sử dụng để phát triển màn hình phẳng, màn hình cuộn và màn hình chuyển động. Đây là ứng dụng được biết đến nhiều nhất là TV màn hình OLED.

GS Sir Richard Henry Friend

TL

Ông được vinh danh tại giải thưởng công nghệ thiên niên kỷ - giải Millennium Prize danh giá, cho sự phát triển của điện tử nhựa năm 2010. Ông được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ vì “Đóng góp cho khoa học vật lý” năm 2003. Nhờ có chuỗi sự kiện trao giải VinFuture lần thứ 1 mà cha đẻ của công nghệ OLED sắp đến Việt Nam bàn về tương lai của năng lượng.

Ngoài ra, Hội đồng giải thưởng VinFuture còn có GS Michael Porter, nhà kinh tế học đang làm việc tại Trường Kinh doanh Harvard, Đại học Harvard. Ông là cha đẻ học thuyết “chiến lược cạnh tranh toàn cầu”.

GS Leslie Valiant, Đại học Harvard, một nhà khoa học máy tính và nhà lý thuyết tính toán người Mỹ gốc Anh, đang giữ vị trí GS T. Jefferson Coolidge chuyên ngành khoa học máy tính và toán ứng dụng tại Đại học Harvard, chủ nhân giải thưởng A.M. Turing năm 2010…

Những nhà khoa học người Việt

Trong số các nhà khoa học tham gia Hội đồng giải thưởng VinFuture có 2 nhà khoa học người Việt nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực của mình. Trong đó có GS Vũ Hà Văn, một trong những nhà khoa học Việt Nam đẳng cấp thế giới được người dân trong nước “quen” tên nhất.

GS Vũ Hà Văn là nhà toán học và khoa học dữ liệu tại Đại học Yale, Mỹ, đồng thời là Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Tập đoàn Vingroup). Ông nổi tiếng với các công trình số học tổ hợp và tổ hợp xác suất, lý thuyết ma trận ngẫu nhiên, và các ứng dụng của chúng trong khoa học tính toán.

GS Vũ Hà Văn giảng bài tại Viện toán học Việt Nam

Quý Hiên

GS Vũ Hà Văn đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, trong đó bao gồm giải thưởng Polya được trao bởi Hiệp hội Toán học ứng dụng và công nghiệp (Society of Industrial and Applied Mathematics), Giải thưởng Fulkerson được trao bởi Hiệp hội Toán học Mỹ (American Mathmatical Society). Ông được Hiệp hội Toán học thống kê mời giảng bài giảng Medallion, và được bầu làm thành viên danh dự của Hiệp hội Toán học Mỹ và Hiệp hội Toán học thống kê.

GS Vũ Hà Văn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau đó được nhà nước gửi đi du học ở Hungary. Sau khi lấy tiến sĩ tại Đại học Yale, ông ở lại Mỹ làm nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo đại học, nghiên cứu có tiếng. Từ năm 2011, ông được mời về làm giáo sư tại Đại học Yale cho đến nay.

Dù làm việc tại Mỹ nhưng GS Vũ Hà Văn là một nhà khoa học có nhiều đóng góp với cộng đồng khoa học trong nước. Trước đây, mỗi dịp hè ông đều về Việt Nam tham gia giảng dạy tại Viện Toán học Việt Nam, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán và các cơ sở đào tạo trong nước khác. Người dân trong nước còn biết đến ông vì là con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương.

Nhà khoa học người Việt thứ 2 có tên trong danh sách Hội đồng giải thưởng VinFuture là GS Đặng Văn Chí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khoa học của Viện Ung thư quốc gia Mỹ. Ông sinh ra và lớn lên ở TP.HCM (tên gọi lúc đó là Sài Gòn), sang Mỹ năm 1967 (13 tuổi).

GS Đặng Văn Chí

Lâm Thanh

GS Đặng Văn Chí là Giám đốc Khoa học, đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Khoa học của Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig. GS Chí từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ung thư Abramson tại Đại học Pennsylvania, từng là giáo sư y khoa tại John H. Glick.

Ông là nhà khoa học nghiên cứu về ung thư và nhà huyết học - ung thư học nổi tiếng toàn cầu. Các nghiên cứu của GS Chí tập trung tìm ra “bí mật” về quá trình trao đổi chất của các tế bào ung thư, đặc biệt là với tác động từ đường (glucozo). Nghiên cứu này đã giúp giải thích một dấu hiệu của bệnh ung thư được gọi là “hiệu ứng Warburg”. Hiện nay, các liệu pháp được đưa ra dựa trên công trình này đang trong các giai đoạn phát triển lâm sàng.

Cả hai giáo sư người Việt nói trên đều tham gia trực tiếp chuỗi sự kiện giải thưởng VinFuture sắp tới.

Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture, còn gọi giải thưởng VinFuture, là giải thưởng được trao bởi Quỹ VinFuture. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, và phu nhân, bà Phạm Thu Hương, là những người sáng lập Quỹ VinFuture.

Quỹ đặt ra cho mình sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.

Hệ thống giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó giải thưởng chính có trị giá 3 triệu đô la Mỹ và là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới. Có 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 đô la Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ; các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.