Trong cuộc giao lưu với sinh viên, giảng viên và cán bộ Trường ĐH VinUni (Hà Nội) với chủ đề “Chào tương lai” sáng 21.1, khán giả đã được chứng kiến một tình huống đầy cảm động thể hiện mối lương duyên giữa GS Katalin Kariko, chủ nhân giải thưởng triệu đô VinFuture vừa được vinh danh tối 20.1, với đất nước, con người Việt Nam.
Các chủ nhân giải thưởng VinFuture mùa giải đầu tiên trong cuộc giao lưu "Chào tương lai". Từ trái sang: GS Pieter Cullis, GS Drew Weissman, GS Katalin Kariko. |
Thanh Lâm |
Biết từ "nem" trong tiếng Việt
Khi được người dẫn chương trình hỏi, từ tiếng Việt duy nhất mà GS Kariko biết có phải là từ “nem”, bà Kariko hồ hởi chia sẻ: “Tôi có người bạn học cũ là người Việt Nam. Hồi còn học với nhau (ở Trường ĐH Szeged, Hungary), bạn ấy có dạy tôi một số từ tiếng Việt. Nhưng tôi nhớ mãi là từ “nem”, do đó là một món rất ngon của Việt Nam mà bạn ấy đã làm để đãi chúng tôi khi đến thăm gia đình”.
Ngay lúc đó, từ cánh trái sân khấu, một phụ nữ Việt Nam lớn tuổi ăn mặc giản dị, ôm một hộp nhỏ màu đỏ bước lên. Ngay lập tức, bà Kariko nhận ra và reo gọi tên: "Hương" và giới thiệu: “Đây là người bạn học hồi đại học của tôi, từ cách đây 43 năm”.
Bà Hương trao cho GS Kariko một chiếc hộp màu đỏ. GS Kariko mở ra rồi thốt lên: "Nem!". Rồi hai người bạn ôm nhau, bà Hương dụi đầu vào vai bà Kariko, rồi cả hai cùng cười, mắt nhìn rưng rưng.
GS Kariko mở hộp quà trong đó là món nem rán mà bà Hương (thứ 2 từ trái sang) mang đến tặng |
Quý Hiên |
Bà Hương tên đầy đủ là Lê Lan Hương, một cán bộ đã về hưu. Trước đây, bà Hương là Trưởng phòng Sinh thái môi trường của Viện Hải dương học Nha Trang, nay vẫn ở Nha Trang (Khánh Hòa). Biết tin bạn học cũ là Kariko được Quỹ VinFuture mời sang Việt Nam, bà Hương đã ra Hà Nội để được gặp bạn.
Chia sẻ với các khách mời và khán giả cuộc giao lưu, bà Hương cho biết: “Tôi sang Hungary từ năm 1972 để học tiếng 1 năm, từ 1973 học mới học đại học và năm 1978 thì tốt nghiệp rồi về nước. Khi học đại học, tôi học cùng lớp với chị Kati (tên thân mật của GS Kariko). Ấn tượng đầu tiên của tôi là chị cao quá. Sau đó thì biết chị là Bí thư Chi đoàn, và nhận ra chị ấy như một người chị. Đúng kiểu lãnh đạo lớp, nhiệt tình, luôn chân tình với mọi người”.
GS Kariko (giữa) và 2 người bạn học cũ là người Việt Nam (bà Hương đứng ngoài cùng bên phải) |
NVCC |
"Không tin được là đã nhận giải thưởng VinFuture"
Bà Hương kể thêm: “Tôi tự hào vì được học ở một lớp như lớp của chúng tôi. Các bạn Việt Nam khác của tôi khi nghe tôi kể chuyện đều ghen tị. Mọi người trong lớp rất đoàn kết, thân ái, giúp đỡ bạn học người Việt tận tình, phân công nhau giúp chúng tôi học vì những năm đầu vốn tiếng của chúng tôi ít nên học chậm.
Sau năm 3 nghe thì khả năng tiếng tốt hơn, nhưng vừa viết nghe khó quá. Vậy là các bạn trong lớp dùng giấy than khi viết bài giảng của thầy cô (để có thêm bản sao). Vậy là ở trên lớp chúng tôi chỉ cần tập trung nghe giảng để hiểu bài, về nhà đọc lại bản sao mà các bạn đưa cho”.
Còn GS Kariko kể: “Chúng tôi không chỉ cùng lớp mà còn ở cùng phòng trong ký túc xá. Nên mỗi khi chị ấy nói tiếng Việt là chúng tôi ngẩn người ra nhìn chị ấy vì chẳng hiểu gì. Lúc đó tôi nghĩ may quá mình đang học đại học ở Hungary chứ không phải sang Việt Nam học, vì nếu thế thì học tiếng Việt kiểu gì khi mà tiếng Việt khó thế! Chị Hương rất tình cảm, tôi phát hiện trong những bức ảnh đến thăm gia đình chúng tôi, chị ấy luôn luôn đứng cạnh bố mẹ chúng tôi”.
GS Kariko tại sự kiện "Chào tương lai" |
Thanh Lâm |
Trước khi bà Hương rời sân khấu, GS Kariko nói: “Tôi quả là có mối lương duyên đặc biệt với Việt Nam, không chỉ qua mối quan hệ với chị Hương mà còn với những người Việt Nam mà tôi từng có điều kiện giao lưu, tiếp xúc.
Đây là lần đầu đến Việt Nam, và cũng chỉ mới đến cách đây mấy ngày thôi nhưng tôi đã kịp kết nối được với nhiều người trong lĩnh vực sinh học, y tế, trong đó có nhiều bạn đang là sinh viên. Và còn giải thưởng VinFuture nữa, đến giờ tôi vẫn không tin được là mình đã được nhận giải thưởng này.
Sáng kiến trao giải thưởng này thật đáng ngưỡng mộ, vì không phải là tôi được trao giải, mà vì nó tôn vinh những thành tựu khoa học của nhân loại”.
GS Kariko sinh năm 1955 tại Kisújszállás, một thành phố ở trung tâm Hungary. Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Szeged, bà Kariko tiếp tục nghiên cứu và làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Hóa sinh, Trung tâm Nghiên cứu Sinh học của Hungary trước khi sang Mỹ.
Theo đánh giá của giới khoa học công nghệ toàn cầu, một trong những công nghệ vắc xin đột phá được sử dụng để chống đại dịch Covid-19 là vắc xin mRNA do Pfizer-BioNtech và Moderna phát triển.
"Mẹ đẻ" của công nghệ này chính là bà Katalin Kariko, GS thỉnh giảng ở ĐH Pennsylvania (Mỹ), đồng thời là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech.
Bình luận (0)