Chỉ còn 4 ngày nữa, quy định ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế định kỳ theo yêu cầu có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện khiến hàng trăm triệu chủ tài khoản hoang mang, lo lắng.
Lo ngại bí mật thông tin khách hàng
Trước thông tin ngân hàng (NH) sẽ thực hiện cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho phía cơ quan thuế theo yêu cầu và thực hiện định kỳ, ông Nguyễn Sơn (Q.2, TP.HCM) cảm thấy lo ngại: “Tôi không làm gì sai hay trốn thuế nhưng với quy định cung cấp thông tin tài khoản NH cho cơ quan thuế chung chung mà không nói rõ trường hợp nào, khoản thu nhập nào... thì sao mà biết được. Tiền ra vào tài khoản mỗi tháng liên tục như tiền lương, hoa hồng công việc, thanh toán hàng hóa dịch vụ trên mạng... NH dựa vào đâu phân biệt được thu nhập nào chịu thuế và không chịu thuế. Nếu tất cả đều chuyển cho cơ quan thuế, vậy còn gì là bí mật thông tin khách hàng? Trường hợp bị lộ hay danh sách tài khoản khách hàng rơi vào tay kẻ xấu và bị lợi dụng quay lại lừa đảo chủ tài khoản, ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng: Thông tin trao đổi qua lại giữa các cơ quan với nhau càng nhiều thì nguy cơ bị rò rỉ ra ngoài càng cao. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng và bất an với quy định trên.
Vậy cơ quan thuế sẽ đưa ra những tiêu chí gì để sàng lọc số tài khoản có thể yêu cầu NH cung cấp thông tin để kiểm tra giám sát? Nếu quy định theo số tiền/giao dịch thì đã có Nghị định 74/2005 của Chính phủ về phòng chống rửa tiền, tổ chức tín dụng sẽ phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm).
Còn nếu cơ quan thuế đưa ra tiêu chí sàng lọc về số lượt giao dịch trong tuần hay tháng... thì cũng không ổn. Bởi theo TS Lê Đạt Chí, bản thân ông là giảng viên thì hằng tháng cũng có rất nhiều lượt tiền ra vô tài khoản NH. Mỗi một lần thỉnh giảng hay một bài chấm thi thì tiền thù lao vài trăm ngàn đồng cũng được các cơ quan chuyển khoản qua NH.
“Số tiền không nhiều, không liên quan đến giao dịch buôn bán qua mạng… không lẽ tài khoản của tôi cũng bị giám sát? Đó là chưa kể với nhiều người đầu tư, tiền giao dịch mua bán bất động sản, mua bán chứng khoán... đều có thể ra vô hằng ngày nhiều lần và đây là những khoản tiền hợp pháp, các giao dịch đều đã thực hiện đóng thuế theo quy định. Nếu như dựa vào đó mà nghi ngờ họ gian lận thuế, truy thu thuế là quá vô lý”, ông Chí nói và đặt vấn đề, để quản lý các hoạt động kinh doanh qua mạng, giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới thì phải liên quan đến Bộ Công thương, quản lý thị trường vì khi kiểm tra nếu không có đăng ký hoạt động này sẽ bị xử phạt.
TS Lê Đạt Chí cho biết: “Thông lệ quốc tế, NH cũng chỉ được phép phong tỏa tài khoản của khách hàng khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Sau đó mới được phép thực hiện trừ tiền từ tài khoản đó sau khi có lệnh của tòa án. Ở đây cơ quan thuế không phải là tòa án nên quyết định của cơ quan thuế cũng không đủ cơ sở pháp lý để NH thực hiện truy thu thuế trên tài khoản của khách hàng”.
|
Quy định liên quan trăm triệu tài khoản
Theo NH Nhà nước, tính đến cuối quý 3 có 93,78 triệu thẻ nội địa đang lưu hành và 16,46 triệu thẻ quốc tế, tương ứng mỗi thẻ liên thông với một tài khoản thanh toán mà khách hàng mở tại NH. Số lượng giao dịch qua thẻ ATM lên hơn 264,3 triệu món với tổng giá trị hơn 695.964 tỉ đồng. Chính vì vậy, quy định NH cung cấp thông tin cho cơ quan thuế liên quan đến cả trăm triệu người đang có tài khoản tại NH hiện nay gây không ít lo lắng cho nhiều người.
Chiều 1.12, đại diện Tổng cục Thuế trả lời Báo Thanh Niên khẳng định, không phải tất cả tài khoản NH đều được yêu cầu cung cấp cho bên cơ quan thuế và chỉ đề cập cung cấp thông tin tài khoản thanh toán, chứ không phải các tài khoản khác như tiết kiệm. Việc cung cấp tài khoản ở đây là với người nộp thuế, nên không phải cá nhân nào cơ quan thuế cũng yêu cầu cung cấp. Thông tin mà cơ quan thuế yêu cầu cung cấp gồm số tài khoản và hiệu lực của tài khoản để phục vụ cho công tác quản lý thuế. Còn việc cung cấp chi tiết giao dịch trên tài khoản chỉ thực hiện ở những tài khoản có giao dịch đáng ngờ, phục vụ cho quản lý thuế như thanh, kiểm tra, đôn đốc thuế, nợ thuế, hoặc điều tra thuế, trốn thuế. Vị này cũng cho biết, những cá nhân không có mã số thuế; cá nhân làm công ăn lương, thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân qua các doanh nghiệp, ủy quyền quyết toán cho doanh nghiệp cũng không cần cung cấp. Quy định này chủ yếu tập trung vào những cá nhân tự đi quyết toán, có hoạt động sản xuất kinh doanh online, qua mạng…
Theo đại diện Tổng cục Thuế, cơ quan thuế sẽ làm việc trực tiếp với NH Nhà nước trong vài ngày tới để thống nhất quy mô, cách thức cung cấp thông tin cụ thể như thế nào. “Yêu cầu cung cấp thông tin chỉ đối với những tài khoản có giao dịch đáng ngờ, trốn thuế, đặc biệt thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng trên 100 triệu đồng... Các thông tin này chỉ phục vụ cho mục đích quản lý thuế chứ không dùng vào các mục đích khác”, vị này cho hay.
Ngân hàng cung cấp tài khoản để thanh, kiểm tra thuếChiều 1.12, Tổng cục Thuế đã họp báo giới thiệu một số điểm mới trong Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) giải thích thêm, chính sách này bắt nguồn từ Tờ trình số 137/TTr-BTC báo cáo Thủ tướng ngày 27.9.2019 xây dựng đề án Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước và được lãnh đạo Chính phủ đồng ý.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết thêm tất cả thông tin của người nộp thuế đều được cơ quan thuế bảo mật tuyệt đối, không chỉ riêng liên quan đến thông tin tài khoản khách hàng. Cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự; không yêu cầu NH cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả khách hàng. Việc yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch chủ yếu là phục vụ cho thanh tra, kiểm tra.
Anh Vũ
|
Bình luận (0)