Một độc giả bình thường trung thành có thể mong chờ để được sở hữu tác phẩm mới của tác giả thần tượng. Nhưng xa hơn vậy, qua các buổi tọa đàm, giao lưu, ra mắt tác phẩm mới tại đường sách, thì độc giả sẽ dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi trực tiếp với người viết về những cuốn sách mình đã đọc.
Một Việt kiều nhiều năm xa Sài Gòn có thể tìm thấy những cuốn sách ký ức một thời trong các kiosk sách cũ trên đường sách.
Những thị dân nhỏ tuổi cũng sẽ dần quen với các buổi theo cha mẹ đi dạo đường sách, ngồi trong chiếc xe buýt xanh tha hồ đọc truyện tranh hay tham gia các chương trình sinh nhật hằng tháng được đường sách tổ chức miễn phí cho thiếu nhi. Thế giới sách mở ra, nếp sống lịch lãm hiện đại cộng đồng cũng được gieo ươm một cách tự nhiên.
Bộ mặt sinh hoạt văn hóa của một đại đô thị phần nào được phản ánh qua con đường ngắn, bình yên bên hông nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố. Du khách quốc tế có thể cảm nhận sâu hơn tinh thần của một đô thị khi dạo bước thảnh thơi dưới bóng me mát rượi, mở cửa những kiosk chụp hình lưu niệm, mua những kỷ vật, những cuốn sách thú vị để nhớ một lần đặt chân đến Sài Gòn.
Cứ như vậy, người làm kinh doanh xuất bản nhìn vào một “thị trường thu nhỏ” nơi đường sách để làm thương hiệu, quan sát hành vi tiêu dùng sản phẩm văn hóa và điều tiết chiến lược. Người dân mọi giới được thụ hưởng không gian văn hóa mở trên con đường này một cách bình đẳng. Con đường nhỏ nhắn này còn làm nhiệm vụ “ngoại giao văn hóa tại chỗ” cho một thành phố thanh bình, lịch thiệp.
Những điều trên cộng hưởng, tạo thành nguyên nhân và giải thích thuyết phục cho sức sống tích cực của Đường sách TP.HCM trong 5 năm qua. Theo báo cáo của Ban điều hành đường sách, tổng doanh số mà các kiosk tại đây đạt được trong 5 năm qua là 181 tỉ đồng, có 11,5 triệu lượt khách tham quan và 3,5 triệu bản sách được bán ra, trong đó có 57.000 tựa sách mới.
Những con số trên đã là một minh chứng cho tính hiệu quả hoạt động của Đường sách TP.HCM. Nhưng, nhìn rộng hơn về sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đây là một công trình văn hóa thành công, góp vào nét bản sắc mới của TP.HCM thời hiện đại.
Cần ghi nhận rằng sự thành công đó được quyết định bởi chính chủ thể văn hóa: người dân Sài Gòn - TP.HCM. Mô hình này đã chạm vào, đáp ứng, vận hành thuận theo đúng nhu cầu của chủ thể văn hóa - thị dân một đại đô thị mang trong mình nội lực và khao khát phát triển văn hóa hiện đại.
Tuy nhiên, văn hóa sẽ không đứng yên và cố định. Việc giữ vững trọng tâm hướng đến sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn hóa xuất bản đúng nghĩa và đầu tư sáng tạo trong phương thức hoạt động hiện đại đề cao sự lan tỏa tri thức trong một cung cách, tinh thần Sài Gòn sẽ là những yếu tố giúp Đường sách TP.HCM phát triển vững bền, hiệu quả.
Hãy cùng chăm chút và hy vọng!
Bình luận (0)