Phát biểu tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 HĐND TP.Hà Nội chiều nay 9.12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết còn nhiều vấn đề tồn tại được cử tri nêu như kỷ cương hành chính chuyển biến chậm, chưa đạt yêu cầu; ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử thấp, chuyển đổi số còn chậm; tỷ lệ giải ngân thấp hơn mục tiêu đề ra.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh |
viết thành |
Các khâu đột phá cũng còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thoát nước đô thị ngày càng quá tải...
“Có một số việc đã nhận diện nhiều năm nhưng chưa khắc phục triệt để, nguyên nhân cũng đã được chỉ rõ. Năm 2022, việc thay đổi lãnh đạo cán bộ chủ chốt cũng tác động tới các hoạt động của thành phố”, ông Thanh nói và cho biết, dự báo năm 2023 tình hình chung sẽ còn khó khăn phức tạp hơn nhiều.
Trước câu hỏi của các đại biểu về việc chậm triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn, ông Thanh cho biết, với các mốc tiến độ không đạt như báo cáo có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân “khi đăng ký thế, hăng say quyết thắng nhưng không cân nhắc kỹ, có những việc nằm ngoài tầm kiểm soát, không cân nhắc kỹ về thời gian thời điểm, nên thành thất hứa với dân”.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, năm 2023 sẽ triển khai đồng loạt phần mềm mới, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố là “nếu phần mềm không chạy được thì phải làm bằng tay, dứt khoát phải làm”. Vì thế, khi ra nghị quyết về chất vấn tái chất vấn lần này, thành phố sẽ xem xét kỹ các mốc tiến độ, “nói là phải chuẩn, phải làm”. Nhắc việc giữa Hà Nội với các bộ, ngành T.Ư đừng để 2 lần không làm.
“Giải pháp trọng tâm là làm sao để nâng cao kỷ luật kỷ cương, thực hiện các lời hứa. Nhân tiện nói thêm là bà con cử tri nhân dân thủ đô, đại biểu cũng hiểu là chia sẻ về thời gian và nguồn nhân lực của chúng ta hạn chế so với khối lượng công việc. 10 triệu dân quản lý từ khai sinh đến khai tử, mà số lượng cán bộ Hà Nội không khác biệt so với các nơi khác. Khối lượng công việc cao, nhều khi tôi không hiểu sao anh em làm được”, ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng dẫn ra ví dụ, như hỗ trợ sau Covid-19 gần 2,6 triệu người, trong khi đơn vị thực hiện chỉ có vài chục người “mà không có đơn thư khiếu nại gì”. Hay số lượng dự án chậm tiến độ sơ sơ cả nghìn dự án, nhưng Phòng Quản lý dự án chỉ có 5 - 7 người, “đổ hết lên 5 - 7 người thì quản lý sao được, không chậm mới lạ, không sai mới lạ”. Vì thế, ông Thanh cho rằng, phải tổ chức lại phân cấp, phân quyền, nếu không rất nguy hiểm.
"Mấy năm đổi luật một lần thì không nhà đầu tư nào theo được"
Dù vậy, lãnh đạo TP.Hà Nội cũng khẳng định, đây là chia sẻ để cử tri thông cảm, chứ không phải để làm yếu kém, thoái thác.
Liên quan đến hệ thống thoát nước, ông Thanh nhấn mạnh quan điểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân làm, chỗ nào không làm được thì nhà nước mới dùng đầu tư công, bởi nguồn lực có hạn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, hình thức đầu tư BT, BOT trước đây phát huy hiệu quả, nhưng nay phải dừng lại hết, do còn nhiều vướng mắc.
“Một năm phải bù khá lớn về tiền rác, nếu không có giá tốt thì không ai tham gia với chúng ta. Cứ mấy năm lại thay đổi luật một lần thì không nhà đầu tư nào theo được. Người ta đi vay, nhưng bảo họ tay không bắt giặc, họ cũng tự ái, phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng thừa nhận có sự chậm chễ, buông lỏng quản lý với vấn đề xử lý nước thải, đặc biệt tại các làng nghề, trong khi đây là câu chuyện sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và con cháu sau này.
Bình luận (0)