'Chủ tịch hợp tác xã đi xe Porsche nhưng trụ sở làm việc là nhà riêng'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/09/2022 15:15 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị dự thảo luật Hợp tác xã cần quy định các địa phương tạo điều kiện để các hợp tác xã tiếp cận đất đai vì hiện nay nhiều hợp tác xã làm ăn hiệu quả nhưng không có trụ sở.

Sáng 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề, cho ý kiến về dự án luật Hợp tác xã sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

gia hân

Cho ý kiến về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hợp tác xã là tổ chức tự nguyện nhưng để đảm bảo phát triển tốt thì người đứng đầu phải có tiêu chí, tiêu chuẩn.

"Bây giờ trình độ cao lắm, tổng giám đốc hợp tác xã bây giờ trình độ toàn tiến sĩ, thạc sĩ, sau này chúng ta có thể đào tạo, bồi dưỡng được”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về chính sách cho hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự luật cần phải thể chế hóa nghị quyết của T.Ư là khuyến khích hợp tác xã huy động nguồn lực đất đai từ các thành viên và tạo thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định trong luật nội dung: "Chính quyền các cấp phải quan tâm bố trí để cho các hợp tác xã tiếp cận được đất đai".

“Tình trạng bây giờ nhiều hợp tác xã kinh doanh rất có hiệu quả nhưng không có một tấc cắm dùi để làm trụ sở. Tôi đi Lâm Đồng, có đồng chí chủ tịch hợp tác xã, tổng giám đốc đi xe Porsche mời tôi bảo đi về trụ sở nhưng hóa ra là về nhà riêng của đồng chí, vì không có trụ sở phải làm việc ở nhà riêng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn trường hợp một hợp tác xã tại H.Cao Phong (Hòa Bình) vẫn đang “tha thiết” xin trụ sở của chi cục thuế không dùng để vừa làm trụ sở vừa làm xưởng sơ chế, bảo quản cam Cao Phong trước khi xuất đi.

“Câu này có vẻ là khẩu hiệu nhưng nếu ghi vào luật thì sau này trách nhiệm của địa phương tạo điều kiện cho họ tiếp cận đất đai, xây dựng trụ sở và các thiết chế cơ sở vật chất tối thiểu. Hai nữa là làm sao tích tụ được ruộng đất, huy động được nguồn lực đất đai từ các thành viên, tổ chức kinh tế của hợp tác xã”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Quy định cụ thể thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã

Một vấn đề khác cũng được Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến là việc thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo “nghiên cứu kỹ hơn để có quy định cụ thể hơn”.

“Việc thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã là rất cần thiết. Đến nay tôi không thấy có quy định nào và cũng không ai khuyến khích chuyện hợp tác xã chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng lại cho phép thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội dẫn ví dụ ở Tam Điệp (Ninh Bình) có hợp tác xã đang có 5 doanh nghiệp hoặc ở Israel có một công ty doanh số 1 năm mấy tỉ USD nhưng thực chất lại thuộc một hợp tác xã.

“Thời anh Lê Vĩnh Tân làm Phó ban Kinh tế T.Ư, sau làm Bộ Nội vụ, chúng tôi được cử đi nghiên cứu ở Trung Quốc thì có hợp tác xã ở Trung Quốc sở hữu cả một tập đoàn khách sạn 5 sao”, Chủ tịch Quốc hội nói, và cho rằng nếu quy định được vấn đề này vào luật thì sẽ có bước phát triển hơn so với luật năm 2022. Do đó cần nghiên cứu tổng kết thực tiễn, điều kiện, cơ chế thành lập, quan hệ giữa thành viên…

Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn chứng thêm thực tế tại H.Ninh Giang (Hải Dương) có hơn 1.000 hộ kinh doanh, có ban quản lý chợ đang muốn phát triển thành một công ty thương mại trong hợp tác xã nhưng rất lúng túng.

“Huyện Ninh Giang có một xã chuối to bằng cổ tay, chuyên cung cấp cây cảnh cho Hà Nội. Xã này riêng xe vận tải là mấy trăm xe, kinh tế phát triển mạnh như vậy cho nên là hợp tác xã có nhu cầu thành lập các doanh nghiệp và đây cũng là xu hướng của thế giới”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Dự thảo luật Hợp tác xã quy định tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân có quyền thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật Doanh nghiệp hiện hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.