Chủ tịch nước dự lễ 20.11 tại trường ĐH đào tạo nhiều chính khách nhất Việt Nam

Quý Hiên
Quý Hiên
14/11/2022 19:45 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 20.11 tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân với hai vai: lãnh đạo Nhà nước, cựu sinh viên. Cùng dự lễ kỷ niệm còn có nhiều chính khách cũng là cựu sinh viên của trường.

Hôm nay 14.11, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2022).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự với 2 tư cách, vừa là lãnh đạo Nhà nước, vừa là cựu sinh viên của trường. Cùng dự lễ kỷ niệm còn có nhiều chính khách cũng là cựu sinh viên của trường.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khen thưởng tập thể và các cá nhân đạt thành tích cao của Trường ĐH Kinh tế quốc dân

Kiều linh

Trường đào tạo ra nhiều chính khách

Theo GS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết nhà trường được thành lập từ năm 1956, với tên gọi ban đầu là Trường Kinh tế - Tài chính T.Ư, là trường ĐH kinh tế đầu tiên của cả nước được đặt trong hệ thống ĐH Nhân dân, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm hiệu trưởng danh dự.

66 năm qua, trường đã trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu và cung cấp nguồn nhân lực cao cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh. Trong các thế hệ cựu sinh viên của trường, có nhiều người đã và đang giữ những trọng trách trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Trong hàng ngũ của những doanh nhân hàng đầu của đất nước, rất nhiều người là cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Trường cũng đi đầu trong đào tạo ĐH, sau ĐH cho các nước bạn Lào, Campuchia. Nhiều lãnh đạo các bộ, ngành của các nước bạn đã được đào tạo ở trường này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là vốn là sinh viên Khoá 15 khoa Công nghiệp, Trường ĐH Kinh tế quốc dân

Kiều linh

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước chia sẻ, ông là cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân khoá 15 khoa Công nghiệp (1973 - 1977). Chủ tịch nước cũng như các bạn đồng môn luôn tự hào từng là sinh viên của trường, tự hào về các thầy cô dạy mình, luôn nhớ ơn các thầy cô cũ mà phần lớn các thầy cô đã đi xa.

Chủ tịch nước cho biết, trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính Phủ, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn, có nhiều người là bạn đồng môn cùng ông. Riêng trong hàng ngũ cán bộ T.Ư Đảng khoá XIII, có 15 uỷ viên, là lãnh đạo các bộ và bí thư các tỉnh, thành là cựu sinh viên của trường.

Cựu sinh viên của trường trong Bộ Chính trị khoá trước có ông Ngô Văn Dụ và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Còn lãnh đạo Chính phủ khoá này có Phó thủ tướng Lê Văn Thành, ra trường sau Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 10 năm.

“Có truyền thống như vậy ở một trường ĐH rất là đáng quý. Vì thế, tôi mong các em sinh viên cố gắng phát huy mạnh mẽ để truyền thống của nhà trường được tiếp nối”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Tự chủ ĐH không phải là tự bơi, tự bươn chải

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch nước biểu dương các thành tích Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã đạt được trong các mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, hợp tác quốc tế, quản trị đại học…, và đề nghị nhà trường tiếp tục phát huy.

Chủ tịch nước yêu nhà trường cần thực hiện tốt hơn nữa công cuộc đổi mới giáo dục đại học. Trong quá trình đào tạo, sinh viên đóng vai trò trung tâm, chủ động; giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng sinh viên cách thu nhận kiến thức và vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn. Đồng thời, nhà trường phải thực sự trở thành lực lượng đi tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của xã hội và xu thế phát triển khoa học công nghệ trên thế giới.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành thư viện điện tử dùng chung cho 45 trường ĐH, đặt tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân

Kiều Linh

Để làm tốt vai trò và sứ mệnh của một trường ĐH, nhà trường cần không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để mỗi giáo viên cống hiến hết khả năng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng công tác. Đây cũng là yêu cầu chung của nhà nước với các cơ sở giáo dục đại học.

“Về phần mình, Đảng và Nhà nước đồng thời với việc đặt yêu cầu ngày càng cao với đội ngũ giáo viên và các cơ sở giáo dục ĐH, cũng hết sức quan tâm đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần, để thúc đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, để mỗi giáo viên yên tâm gắn bó với nghề và cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người”, Chủ tịch nước nói.

Đề cập vấn đề tự chủ ĐH, Chủ tịch nước chia sẻ: “Nhân có thầy Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ở đây, tôi cũng muốn nói thêm về tự chủ ĐH. Các đồng chí Lê Văn Thành, Nguyễn Chí Dũng, và nhiều bộ trưởng, thứ trưởng các bộ, ngành có mặt ở đây, tôi nghĩ là chúng ta đều hiểu tự chủ ĐH công lập là thế nào.

Đó không phải tự lo, tự bơi, tự bươn chải. Mà Nhà nước có những cơ chế, sự hỗ trợ cần thiết, nhất là đất đai, và các chính sách khác... Những chính sách đó ta phải đề xuất với Đảng, với Nhà nước từ đó báo cáo với các cấp thẩm quyền xử lý giải quyết thấu đáo thì mới thành công”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.