Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: 'Chính phủ vẫn phải có báo động đỏ, đề cao cảnh giác'

Thái Sơn
Thái Sơn
21/10/2021 14:26 GMT+7

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc , những diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đòi hỏi Chính phủ, ngành y tế phải tiếp tục đề cao cảnh giác.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận tổ sáng 21.10

Ngọc thắng

Sáng 21.10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình phòng chống Covid-19 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Bày tỏ quan điểm nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tất cả những vấn đề diễn ra ở đất nước ta từ dịch bệnh, thiên tai trong chỉ đạo, điều hành hay nói cách khác là quản trị đất nước 100 triệu dân là vấn đề rất khó khăn.

“Nhân dân trao cho chúng ta quyền rất lớn nhưng cũng yêu cầu rất lớn. Chúng ta phải biết rút kinh nghiệm tất cả việc chúng ta đã làm để thời gian tới làm tốt hơn. Mong rằng Chính phủ tiếp tục phát huy, các Bộ trưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Chủ tịch nước nói.

Ngày 25.10, Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM sẽ cung cấp thông tin chính thức về cấp độ dịch Covid-19

Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thay vì quan điểm “zero Covid”, phải nhanh chóng thích ứng với dịch bệnh, phương thức vắc xin, thuốc và 5K. Đồng thời, “không thể đóng cửa mãi đất nước mà phải mở cửa giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế xã hội".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn thực tế nhiều nước trên thế giới như Singapore, Nga, New Zealand, là những nước phát triển về kinh tế, y tế nhưng vẫn đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Mặt khác, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện những ổ dịch mới. Do đó, Việt Nam vẫn chưa thể bỏ hoàn toàn các chỉ thị 12, 15,16, 19…

“Chúng ta chưa phân tích chủng sắp tới như thế nào nhưng tình hình như vậy, ngành y tế, Chính phủ vẫn phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, không được chủ quan, không được chuyển từ cực này sang cực khác dẫn tới hậu quả xấu mà phải có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau”, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nhìn nhận tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, song Chủ tịch nước đánh giá thời gian qua khi mở cửa một bước thì không khí làm ăn là tích cực, bên cạnh nhiều nơi duy trì tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đã có một số địa phương vươn lên mạnh nhẽ như các tỉnh Đông Nam bộ, TP.HCM.

"Tôi tin nền kinh tế của chúng sẽ trở lại phong độ mới và sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Sang năm có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 3-12 tuổi

Đề cập đến việc chuyển trạng thái chống dịch hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh.

“Chúng ta cũng không thể đưa số ca nhiễm của TP.HCM hay các tỉnh khác về con số 0, vì điều này là rất khó khăn. Ta phải chấp nhận tỷ lệ nào đó nhưng kiểm soát được vấn đề tử vong”, ông Long nói, và cho biết để làm được điều đó, phải đảm bảo được 3 tiêu chí: tỷ lệ bao phủ vắc xin, chỉ số về mức độ lây nhiễm, và chỉ số đáp ứng của hệ thống y tế.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vắc xin. Đến thời điểm này, Việt Nam có tổng số 97 triệu liệu vắc xin và đã thực hiện gần 70 triệu mũi tiêm. "Các nước tập trung ở các sân vận động, các khu vực lớn nhưng chúng ta chia nhỏ toàn bộ, tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, đang tiếp tục đôn đốc để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, ít nhất cho 80% người dân từ 18 tuổi trở lên, sau đó tiêm mũi 2 và sau đó cho trẻ em. Các địa phương đã rất quen làm, tổ chức tiêm tốt”, Bộ trưởng Y tế đánh giá.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Long cho biết hiện Bộ Y tế đang từng bước nghiên cứu mở rộng đối tượng tiêm vắc xin cũng như nghiên cứu phát triển hoặc chuyển giao công nghệ, để từ năm tới có thể chủ động vắc xin và Bộ cũng đã có kế hoạch để tiêm chủng cho trẻ em từ 3 - 12 tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.