Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Khánh Hoan
Khánh Hoan
04/12/2022 07:41 GMT+7

Dự lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: vinh danh Hồ Xuân Hương cũng là tôn vinh trí tuệ, nhân văn, bác ái của người Việt Nam.

Tối 3.12, tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An và tổ chức UNESCO đã tổ chức lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm tại nhà thờ họ Hồ Phi ở xã Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An

Thành Cường

Phát biểu tại lễ vinh danh và kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, làng Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là nơi sản sinh những ông nghè, ông cống lừng danh thiên hạ. Còn Thăng Long nơi nữ sĩ Hồ Xuân Hương lớn lên là nơi hội tụ tinh hoa bốn phương.

Chính những điều đó đã hun đúc trong bà những tư chất đặc biệt, những lớp phù sa văn hóa, liên tục được bồi đắp và lớn lên trong một bối cảnh lịch sử đất nước đầy biến động, sự thay ngôi, đổi triều.

Hồ Xuân Hương là bậc nữ sĩ kỳ tài, là một hiện tượng đặc sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Thơ của bà ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều đột phá và rất mới mẻ; vừa đậm chất phong tình vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao UNESCO đã rất chính xác khi trao sứ mệnh vinh quang cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên thế giới.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Nghị quyết số 41C/15 của UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-1822) nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam cho lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và tỉnh Nghệ An.

Thành Cường

Tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của bà đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại, Chủ tịch nước cho rằng, đó cũng là để tìm trong di sản của bà những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai.

“Chúng ta tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương chính là tôn vinh phẩm hạnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được những nỗ lực, phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta cho quyền lợi và sự công bằng đối với người phụ nữ thông qua việc phát huy sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước, cũng như những vị trí quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong đội ngũ các nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở mọi thế hệ”.

“Việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam. Điều này thêm lần nữa khẳng định, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hòa chung dòng chảy văn hóa nhân loại cũng như làm giàu hơn, phong phú hơn cho văn hóa thế giới”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật các trước tác của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của bà chúa thơ Nôm đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Hồ Xuân Hương trong giai đoạn mới.

Ngày 23.11.2021, UNESCO đã ra nghị quyết thống nhất vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đến nay, trong 6 nhân tài đất Việt được UNESCO vinh danh (Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu), duy nhất có Hồ Xuân Hương là nữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.