Thủ bút người dịch ‘Lưu Hương Ký’ ra Quốc ngữ

19/09/2022 07:53 GMT+7

Căn cứ vào chữ viết tay 35 trang ra Quốc ngữ, người viết khẳng định: Nội dung bản Lưu Hương Ký này do nhà Hán học Nguyễn Đức Vân dịch.

Năm 2019, ông Trần Đình Tuấn một nhà nghiên cứu về Truyện Kiều và “Bà chúa Thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, hỏi tôi về thông tin người dịch Lưu Hương Ký. Đây là tập thơ chữ Hán được các nhà nghiên cứu văn học cho là sáng tác của Hồ Xuân Hương. Ông Trần Đình Tuấn đang lưu giữ một bản tư liệu chép tay Hán văn và Quốc ngữ tập thơ này.

Bút tích Dịch giả Nguyễn Đức Vân dịch Lưu Hương Ký

Tư liệu Trần Đình Tuấn

Sau khi đã trực tiếp cầm trên tay tư liệu gồm bản chép chữ Hán Lưu Hương Ký và bản dịch Lưu Hương Ký ra Quốc ngữ trên giấy “5 hào 2”, tôi xác định lai lịch tư liệu cùng với nhân thân người dịch Lưu Hương Ký ra Quốc ngữ như sau:

Bản Lưu Hương Ký này là do cụ Nguyễn Văn Tú – một nhà Nho ở tỉnh Nam Định (về sau có tham gia dịch thơ chữ Hán cùng các cụ túc Nho ở Viện Văn học) gửi tặng Ban Nghiên cứu Văn sử địa (tiền thân của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) năm 1957. Vài năm sau, khi lập Viện Văn học, bản Lưu Hương Ký này được chuyển về Phòng Tư liệu (nay là Thư viện Viện Văn học). Người biết rõ lai lịch và từng công bố trên báo chí về bản Lưu Hương Ký này là Nhà nghiên cứu Hồ Tuấn Niêm (1925 – 1980) nguyên là cán bộ Viện Văn học.

Sinh thời, Nhà nghiên cứu Hồ Tuấn Niêm cung cấp thông tin có 2 bản Lưu Hương Ký chữ Hán. Một bản lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội. Theo chia sẻ thông tin của Hồ Tuấn Niêm thì 2 bản này tuy cùng mang tên Lưu Hương Ký nhưng “hoàn toàn khác về nội dung”.

Về bản dịch Lưu Hương Ký ra Quốc ngữ

35 trang Quốc ngữ bản dịch Lưu Hương Ký trên giấy “5 hào 2” là của ai?

Trang 26 bản chữ Hán có ghi:

Trang 26 bản chữ Hán

k.m.s

Phiên âm:

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chi nhị thập lục niên, tuế thứ Tân Hợi, bát nguyệt sơ ngũ nhật

(Công lịch nhất cửu thất nhất niên, cửu nguyệt nhị thập tam nhật)

Hải Hưng, Tiên Lữ, Tiên Phương, Đào Phương Bình. Thủ sao chính bản.

Kính tặng

Hoan Châu, Song Quỳnh, Hồ Tuấn Niêm đồng chí nhã giám

[cộng nhị thập lục hiệt]

Dịch nghĩa:

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 26, tuế thứ Tân Hợi, ngày 5 tháng 8

(Công lịch 23.9.1971)

Đào Phương Bình người tỉnh Hải Hưng, huyện Tiên Lữ, xã Tiên Phương. Sao chính bản bằng tay.

Kính tặng

Đồng chí Hồ Tuấn Niêm người Hoan Châu, đất Song Quỳnh để xem.

[cộng 26 trang]

Ở đây, Song Quỳnh chỉ bản quán của Nhà nghiên cứu Hồ Tuấn Niêm là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Như vậy, văn bản chữ Hán này được cụ Đào Phương Bình chép lại vào ngày 23.9.1971 để tặng Nhà nghiên cứu Hồ Tuấn Niêm.

Bút tích Dịch giả Nguyễn Đức Vân dịch Thơ văn Lý Trần

Tư liệu Kiều Mai Sơn

Cụ Đào Phương Bình người xã Tiên Phương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hưng Yên). Cụ là một dịch giả Hán học, công tác tại Viện Văn học, đã tham gia giảng dạy lớp Đại học Hán học cùng các cụ Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nam Trân,… và tham gia dịch Thơ văn Lý Trần thuở ban đầu - cùng cụ Nguyễn Đức Vân.

Ban đầu, từ mấy chữ liên quan đến cụ Đào Phương Bình nên ông Trần Đình Tuấn đã suy đoán cụ Bình là người dịch Lưu Hương Ký ra Quốc ngữ. Thực ra không phải như vậy!

Căn cứ theo toàn bộ 35 trang Quốc ngữ thống nhất một nét chữ của một người, tôi nhận ra đây là chữ viết tay của cụ Nguyễn Đức Vân.

Nhà Hán học - dịch giả Nguyễn Đức Vân cũng là một cán bộ của Viện Văn học. Ngoài cùng dịch Thơ văn Lý Trần thuở ban đầu với cụ Đào Phương Bình, cụ Nguyễn Đức Vân còn dịch nhiều tác phẩm Hán Nôm khác ở nhiều thể loại như: Thơ văn Tự Đức (di cảo), Tùy Viên thi thoại của Viên Mai, Hồng lâu mộng, Hoàng Lê nhất thống chí (cùng GS.TS Kiều Thu Hoạch)…

Đôi điều về nhà nghiên cứu Hồ Tuấn Niêm

Là một cán bộ khoa học của Ban Văn sử địa Trung ương, năm 1959 khi Chính phủ thành lập Viện Văn học, Hồ Tuấn Niêm là 1 trong 12 cán bộ đầu tiên về Viện này. Được lãnh đạo Viện Văn học cử phụ trách Thư viện, ông đã tìm kiếm, thu góp và bổ sung nhiều sách báo, tài liệu quý hiếm mà thư viện chưa có.

Đồng thời, Hồ Tuấn Niêm đã tranh luận trên báo chí một số bài về tiểu sử Hồ Xuân Hương. Đó là: Bàn lại một đôi điểm về tiểu sử Hồ Xuân Hương – Tạp chí Văn học, số 1 năm 1972. Trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 172, năm 1973, bài Chung quanh vấn đề tiểu sử Hồ Xuân Hương, Hồ Tuấn Niêm cung cấp thông tin có 2 bản Lưu Hương Ký chữ Hán. Một bản lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội. Một bản lưu tại phòng tư liệu (nay là thư viện) Viện Văn học.

“Bản Lưu Hương Ký này là do ông Nguyễn Văn Tú (Nam Định) gửi tặng Ban Nghiên cứu văn sử địa năm 1957”, ông Niêm cho biết. Theo thông tin của Hồ Tuấn Niêm thì 2 bản này tuy cùng mang tên Lưu Hương Ký nhưng “hoàn toàn khác về nội dung”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.