Chủ tịch nước: Tại sao phải chiếu quá nhiều phim nước ngoài như vậy?

Thái Sơn
Thái Sơn
23/10/2021 13:50 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điện ảnh có vai trò lớn trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước con người ra bên ngoài, trong khi Việt Nam không thiếu những đề tài đặc sắc về văn hóa, truyền thống lịch sử.

Thảo luận cho ý kiến tại tổ về dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi sáng nay 23.10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đã nêu nhiều vấn đề đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, điện ảnh có vai trò lớn trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh của một quốc gia. “Có nhiều nước đi từ công nghiệp điện ảnh để quảng bá đất nước, tại châu Á có Hàn Quốc, từng rất nổi tiếng với những bộ phim: Giày thủy tinh, Nàng Dae Jang Geum… Tôi còn nhớ, cách đây 17 - 20 năm, Hà Nội có những buổi chiều đường phố vắng tanh người vì người ta ở nhà xem phim Hàn Quốc”, ông nêu ví dụ và đặt vấn đề: “Văn hóa có vai trò soi đường cho quốc dân, thì điện ảnh là một loại hình văn hóa, loại hình nghệ thuật, có làm được vai trò, nhiệm vụ đó không?".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều trăn trở về phát triển ngành điện ảnh Việt Nam

Gia han

Từ góc độ xã hội, Chủ tịch nước cũng cho rằng, chúng ta đang hội nhập quốc tế nên quy luật thị trường, quy luật giá trị tác động với nhiều mặt trái, trong đó có điện ảnh. “Suốt ngày thấy đánh đấm, đồi trụy không mang hình ảnh của một dân tộc, đất nước thì sao giữ được đất nước. Giữ được đất nước trong kinh tế thị trường chính là văn hóa, giữ gìn văn hóa thông qua các hình thức nghệ thuật như điện ảnh rất quan trọng. Văn hóa dân tộc rất quan trọng, nhưng lại là khâu yếu trong thời gian qua cần được khắc phục”.

“Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim nước ngoài, tất nhiên hội nhập thì có phim nước ngoài nhưng không phải quá nhiều như vậy được trong khi chúng ta có thể xây dựng văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, văn hóa vật thể, phi vật thể”, Chủ tịch nước nêu vấn đề, đồng thời nhìn nhận, để phát triển điện ảnh cần nhiều yếu tố, trong đó, luật pháp phải tạo ra hành lang pháp lý. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Nếu luật pháp cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật này thì đó là vấn đề lớn, cần lưu ý”.

Từ đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng yêu cầu của việc sửa đổi luật Điện ảnh là để ngành này phát triển, có nhiều tác phẩm tốt phục vụ nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ Tổ quốc.

Để được như vậy, cần làm tốt về chính sách, trong đó có thể đặt vấn đề mọi tổ chức, cá nhân được làm phim. “Nhà nước nên đặt hàng, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước, con người Việt Nam. Việt Nam có 4.000 năm lịch sử văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta phải giữ gìn nền văn hóa ấy mãi mãi muôn sau, một văn hóa Việt Nam không thể bị mất đi. Mình gần đây có giữ gìn nhưng vẫn bị phai nhạt đi nhiều. Cho nên, những vấn đề thuộc về lịch sử, tư liệu cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc, giới thiệu đất nước của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam thì nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ, có chính thức khen thưởng, khuyến khích đối với loại hình này”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đề nghị cần lựa chọn để tìm được người có đủ đức, tài vào Hội đồng thẩm định phim, đồng thời nghiên cứu để có luật có quy định cấm, hạn chế cụ thể những hành vi mới nổi lên gần đây, đặc biệt là các trào lưu phim ảnh qua mạng xã hội.

“Về chính sách phát hành phim, tôi thấy còn thiếu, nhất là quảng bá ra nước ngoài, hợp tác quốc tế quảng bá, xúc tiến còn hạn chế. Người ta biết Việt Nam qua những bộ phim chiến tranh. Hôm qua tôi tiếp ông Đại sứ đặc mệnh Algeria về nước, ông nhớ mãi hình ảnh Điện Biên Phủ vì ông xem được phim về Điện Biên Phủ. Trước đây người ta không hiểu Việt Nam nhiều. Bây giờ người ta hiểu Việt Nam nhưng cũng chưa hiểu đầy đủ nền văn hóa, lịch sử thì điện ảnh có trách nhiệm rất quan trọng trong việc đưa ra quốc tế”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.