Chủ tịch nước thăm Nga: Tạo xung lực mới cho mối quan hệ truyền thống, tin cậy

30/11/2021 07:08 GMT+7

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là biểu thị quan trọng cho sự phát triển ổn định của quan hệ chính trị cũng như sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước, theo giới quan sát.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến Moscow để tiến hành chuyến thăm chính thức Nga từ ngày 29.11 đến 2.12, theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân

TTXVN

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm đặc biệt: Hai nước đã kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm ngoái, 20 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong năm nay và đang hướng tới cột mốc 10 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm sau.

"Mối quan hệ độc nhất vô nhị"

Trả lời phỏng vấn báo chí Nga trước khi công du, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết chuyến thăm thể hiện “sự coi trọng cao độ” mà Việt Nam dành cho mối quan hệ “truyền thống, tin cậy” với Nga, “góp phần tạo động lực, đột phá mới” trong hợp tác giữa hai nước.

Theo giới quan sát, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định ưu tiên mà Việt Nam dành cho Nga, nước đầu tiên trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam (năm 2001), và đảm bảo quan hệ song phương tiếp tục vững mạnh trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị tại khu vực ngày càng phức tạp.

“Quan hệ với Việt Nam là mối quan hệ độc nhất vô nhị với Nga trong tất cả các đối tác ở ASEAN”, tiến sĩ Ekaterina Koldunova, quyền giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), nói với Thanh Niên.

“Một chuyến thăm cấp cao như chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là biểu thị rất quan trọng cho sự phát triển ổn định, vững chắc của quan hệ chính trị cũng như sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước”, bà nói.

Trong cuộc phỏng vấn với báo chí Việt Nam bao gồm Thanh Niên, Đại sứ Nga G.S.Bezdetko cho hay hai nước đều kỳ vọng chuyến thăm sẽ đem đến xung lực mới thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trên nhiều lĩnh vực, đảm bảo quan hệ tiếp tục tiến lên phía trước.

Theo đại sứ, những hạn chế được áp đặt ở Nga và Việt Nam do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tính năng động của quan hệ song phương và nhiều vấn đề đòi hỏi phải thảo luận ở cấp cao nhất. Ông kỳ vọng hai bên sẽ tiến hành trao đổi chi tiết về việc tiếp tục tăng cường và hoàn thiện cơ cấu thương mại giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống và có triển vọng mới, bao gồm cung cấp và sử dụng khí hóa lỏng (LNG), lắp ráp ôtô, điện lực, ngân hàng và tài chính.

“Tôi tin rằng chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp và sẽ trở thành một bước đi quan trọng nữa nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam”, ông Bezdetko nói.

Xóa rào cản, vượt khó khăn

Trong bối cảnh các nước đều đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch, hợp tác về thương mại, đầu tư là một trong những chủ đề dự kiến được hai nước thảo luận. Một điểm sáng là bất chấp những khó khăn, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga trong năm 2020 đã tăng 15% so với năm trước, đạt 5,7 tỉ USD, theo thống kê của Nga. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thương mại tiếp tục tăng 16% so với cùng kỳ, và dự kiến đạt khoảng 6,5 tỉ USD trong cả năm 2021, tăng 14%.

Tuy nhiên, những con số này vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác cũng như chưa tương xứng với mức độ tin cậy chính trị giữa hai nước. So với mục tiêu thương mại 10 tỉ USD mà hai nước đặt ra cho năm 2020, hai bên cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ngoài những tác động của đại dịch.

Một điều kiện thuận lợi mà hai nước cần tận dụng là Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký năm 2016. Thực tế, từ khi hiệp định này có hiệu lực, thương mại song phương đã tăng lên gần gấp đôi, và Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Nga tại khu vực Đông Nam Á.

“Rào cản quan trọng nhất dường như là thủ tục hành chính rườm rà. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể đến từ chiến lược thâm nhập thị trường chưa hiệu quả”, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, chuyên gia về Việt Nam, nói với Thanh Niên.

Theo tiến sĩ Koldunova của MGIMO, hiệp định thương mại tự do năm 2016 đã giúp hai nước duy trì được động lực thương mại trong bối cảnh khó khăn do đại dịch. Song điều quan trọng đối với cả hai không chỉ là thương mại hàng hóa mà hai bên cần tìm kiếm thêm các “động cơ kinh tế” khác trong lĩnh vực đầu tư hoặc thương mại dịch vụ.

Từ quá khứ đến tương lai

Vào tháng 10, Việt Nam và Nga đã tổ chức kỳ họp lần thứ 23 của Ủy ban liên Chính phủ về Hợp tác Kinh tế - Thương mại và Khoa học - Công nghệ ở cấp phó thủ tướng. Việt Nam cam kết tiếp tục hỗ trợ các công ty dầu khí của Nga và cũng như việc triển khai một dự án về khoa học và công nghệ hạt nhân.

“Nếu ban lãnh đạo Việt Nam quyết định khôi phục chương trình năng lượng hạt nhân quốc gia, các tổ chức chuyên ngành của Nga sẽ sẵn sàng dành sự hỗ trợ toàn diện ở cấp độ công nghệ cao nhất”, Đại sứ Bezdetko nói về dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (RCNEST).

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng là một trụ cột lâu đời, quan trọng của quan hệ Việt - Nga. Đầu tàu trong lĩnh vực này là liên doanh Vietsovpetro, đơn vị vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập. Liên doanh chiếm hơn một phần ba tổng lượng dầu khai thác ở Việt Nam và khoảng 15% khí tự nhiên, theo ông Bezdetko.

Theo lịch trình chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự kiến thăm công ty Zarubezhneft (đối tác Nga trong liên doanh Vietsovpetro ở Việt Nam và Rusvietpetro ở Nga), cũng như tiếp lãnh đạo hai tập đoàn Gazprom và Novatek, hai nhà sản xuất và xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất Nga. Trong khi Gazprom đã hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ nhiều năm qua thì Novatek vừa mới mở văn phòng đại diện tại Hà Nội hồi tháng 8.

Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hữu nghị và hợp tác y tế Việt - Nga được thể hiện rõ. Một trong những dấu ấn quan trọng là vào tháng 9, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã gia công đóng chai thành công lô vaccine Sputnik V đầu tiên ở Việt Nam với sinh phẩm được Nga chuyển giao.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, VABIOTECH đang tiến hành sản xuất đại trà vaccine Sputnik V, tiến tới có thể nâng công suất lên 5 triệu liều/tháng. Đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể trở thành địa điểm sản xuất vaccine Sputnik V đầu tiên tại Đông Nam Á trong tương lai.

“Chúng tôi coi cuộc chiến chống lại đại dịch bệnh truyền nhiễm virus corona chủng mới là một trong những lĩnh vực tương tác quan trọng nhất giữa chúng ta trong tương lai”, Đại sứ Bezdetko nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.