Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Nợ công tăng thêm nữa coi chừng đổ vỡ”

29/06/2015 13:07 GMT+7

(TNO) Sáng 29.6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1 (TP.HCM) sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13.

(TNO) Sáng 29.6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1 (TP.HCM) sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Nợ công tăng thêm nữa coi chừng đổ vỡ”Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi cử tri quận 1
Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh nhiều vấn đề về Trung Quốc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông khi mở rộng, bồi lấp các đảo chìm; chương trình học phổ thông quá tải; giá điện, giá xăng tăng bất hợp lý; lãng phí trong đầu tư công; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn; chất lượng giám sát của Quốc hội; chính sách bảo hiểm y tế bất hợp lý…
Cử tri Trần Việt Hùng bức xúc: “Giá xăng dầu thế giới giảm, trong khi đó giá mặt hàng này trong nước lại tăng. Bộ Tài chính, Bộ Công thương có giải thích lý do nhưng cử tri chúng tôi thấy không hài lòng. Đây là cách tăng giá bất hợp lý. Gia đình nào cũng có xe máy, giá xăng dầu tăng như vậy ảnh hưởng đến toàn dân. Người dân cũng còn gánh chịu hệ lụy là giá các mặt hàng khác cũng tăng theo”.
Cử tri Trần Việt Hùng cũng bức xúc phản ánh giá điện tăng bất hợp lý làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, đồng thời yêu cầu Quốc hội phải có giải pháp điều chỉnh hợp lòng dân.
Đồng tình với quan điểm này, cử tri Võ Văn Lập nói thẳng: Tăng giá điện, tăng giá xăng dầu khiến người dân rất khổ. Càng tăng dân càng khổ suốt nhiều năm qua.
Tôi báo động chuyện này để cô bác cử tri cùng góp sức. Nếu có phê phán chúng tôi cũng chịu. Nợ công mà tăng thêm nữa coi chừng đổ vỡ. Rất nguy hiểm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 
Đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp, ông Lập yêu cầu Quốc hội “phải làm gì đó cho dân bớt khó khăn”, vì nhiều năm rồi người dân vẫn phải chịu đựng hệ lụy của tình trạng được mùa, mất giá; làm ra sản phẩm bán không có lời mà phải lo gánh nhiều khoản chi phí, lo trả lãi suất ngân hàng…
Nhiều cử tri lo lắng về tình hình Biển Đông hiện nay. Việc Trung Quốc mở rộng, bồi lấp các đảo chìm là hành động xâm lấn chủ quyền của Việt Nam. Hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam đang bị đe dọa, bị ảnh hưởng rất lớn vì Trung Quốc gây rối, cản trở, gây hư hỏng phương tiện.
Cử tri còn bày tỏ bức xúc về tình trạng tài nguyên rừng, khoáng sản của đất nước bị khai thác bừa bãi. Ở đâu cũng có chính quyền nhưng sự kiểm soát chưa thật sự tốt. “Nếu như chính quyền lơ là thì Quốc hội phải giám sát, nhắc nhở chấn chỉnh”, cử tri yêu cầu.
Cử tri yêu cầu Quốc hội có giải pháp tăng cường quản lý nợ công; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có tâm, có trình độ để phục vụ người dân tốt hơn; cần tinh giảm biên chế để giảm nguồn ngân sách phải chi thường xuyên để nuôi bộ máy nhà nước.
Liên quan đến những vấn đề trên địa bàn thành phố, cử tri phản ánh đến thực trạng lãng phí nguồn lực đất đai, đền bù giải tỏa một số dự án chưa hợp lòng dân, an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Nợ công tăng thêm nữa coi chừng đổ vỡ” 2Cử tri quận 1 phát biểu tại buổi tiếp xúc
“Tôi báo động chuyện này để cô bác cử tri cùng góp sức”
Tiếp thu ý kiến của tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị chính quyền TP.HCM hết sức lưu ý để tập trung trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Ông cho rằng những chuyện không hay ho thì đừng để nhắc đi nhắc lại nhiều lần rồi làm người dân mất niềm tin.
Chủ tịch nước khẳng định sẽ giao Bộ Tài Chính, Bộ Công thương nghiên cứu kỹ, trả lời thỏa đáng cử tri về vấn đề giá xăng, giá điện. Ông cho rằng đây là chuyện đại sự. Những năm qua việc thị trường hóa ngành điện chậm. Chỉ số điện bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay thấp 2,5 lần so với Thái Lan. Tuy nhiên, gần đây ít xảy ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng vì kinh tế tăng tưởng chậm lại.
Liên quan đến vấn đề nợ công, bộ máy nhà nước cồng kềnh…, Chủ tịch nước khẳng định không tinh giảm biên chế thì cải cách tiền lương không tiến hành được.
Có một thực tế nan giải là những năm qua số lượng cán bộ, công chức cứ tăng lên. Chi thường xuyên để duy trì bộ máy đã chiếm đến 72% tổng ngân sách nhà nước. Chúng ta đã phải đi vay nợ để chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
“Tôi báo động chuyện này để cô bác cử tri cùng góp sức. Nếu có phê phán chúng tôi cũng chịu. Nợ công mà tăng thêm nữa coi chừng đổ vỡ. Rất nguy hiểm”, Chủ tịch nước nói.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi “phải nói sự thật những suy nghĩ của nhân dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.