Chủ tịch nước: 'Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Thụy Sĩ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/11/2021 13:09 GMT+7

Khẳng định Việt Nam và Thụy Sĩ đã cùng nhau tiến lên như hai người bạn đồng hành đáng tin cậy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Thụy Sĩ tại Việt Nam.

Chuyển từ thu hút sang hợp tác

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Thụy Sĩ

Thuận thắng

Chiều tối 26.11, giờ địa phương (sáng 27.11 giờ Việt Nam), tại thủ đô Bern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thuỵ Sĩ Guy Parmelin đã đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Thuỵ Sĩ.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh nhiều biến động với sự tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. GDP năm 2020 vẫn tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao.

Ông cho hay, dù khó khăn, dịch bệnh nhưng có nhiều nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam để mở rộng đầu tư, coi Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai.

Đến nay, có 33.400 dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn gần 400 tỉ USD, của các nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại - Phát triển (UNCTAD) đưa vào Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Chủ tịch nước cho biết, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, chiến lược phát triển tới năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho khu vực tư, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tích cực hội nhập quốc tế.

Đối với đầu tư nước ngoài (FDI), Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam chuyển từ chỉ đơn thuần “thu hút” vốn FDI, sang "hợp tác” với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cũng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.

Cùng tiến lên như 2 người bạn

Nhấn mạnh Việt Nam luôn trân trọng mối quan hệ với Thụy Sĩ trong 50 năm qua, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam - Thụy Sĩ đã trải qua nhiều thử thách, cùng nhau tiến lên như hai người bạn đồng hành đáng tin cậy, với nhiều kết quả hợp tác ấn tượng trên nhiều lĩnh vực.

Dẫn chứng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thụy Sĩ 5 năm qua luôn duy trì mức 1 tỉ USD, tổng số vốn đầu tư FDI của Thụy Sĩ tại Việt Nam đạt 1,92 tỉ USD với 181 dự án, Chủ tịch nước cho rằng, sự hợp tác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Doanh nghiệp 2 bên ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại diễn đàn

thuận thắng

“Thực tế, nền kinh tế Việt Nam và Thụy Sĩ mang tính bổ trợ cho nhau, hơn là cạnh tranh về hàng hóa dịch vụ”, ông nói.

Chủ tịch nước đề nghị Việt Nam - Thụy Sĩ đẩy mạnh trao đổi truyền thông sâu rộng về chính sách đầu tư của mỗi nước tới các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Ông cũng đề nghị cộng đồng Thụy Sĩ thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Chủ tịch nước cũng cho rằng, cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích các dòng chảy thường mại, đầu tư trong bối cảnh mới; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.

Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sĩ ủng hộ để Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam được cung ứng vắc xin Covid-19 thông qua cơ chế Covax, thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị.

Luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi

Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết sẽ nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, toàn diện, như CPTPP, EVFTA và hướng đến các chuẩn mực của OECD.

“Chúng tôi sẵn sàng trao đổi cởi mở, đồng thời cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Thụy Sĩ đầu tư thành công, hiệu quả và lâu dài ở Việt Nam”

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Theo ông, các chuẩn mực này gồm giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.

"Thật vui mừng là nhân dịp chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ lần này, nhiều bản ghi nhớ hợp tác sẽ được ký kết về tài chính - ngân hàng, năng lượng, logistics, giáo dục, y tế... Đây là minh chứng về tiềm năng hợp tác hai nước", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, tham gia diễn đàn lần này có đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp hai nước.

“Chúng tôi sẵn sàng trao đổi cởi mở, đồng thời cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Thụy Sĩ đầu tư thành công, hiệu quả và lâu dài ở Việt Nam”, Chủ tịch nước nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.