Chủ tịch phường, họ là ai?: Thạc sĩ Úc, 35 tuổi về nước ở nhà xã hội

30/03/2018 09:39 GMT+7

Học thạc sĩ Quản lý môi trường tại Úc, được giữ lại để công tác nhưng anh Phan Đình An (35 tuổi) quyết tâm về nước để được phục vụ người dân. Anh được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Trưởng thành từ công tác Đoàn, chàng trai trẻ Phan Đình An được TP cử đi học chương trình 500 tại Úc ngành Quản lý môi trường. Với thành tích học tập xuất sắc, anh được nhà trường đề nghị ở lại để công tác nhưng anh từ chối, về nước để được phục vụ nhân dân. Đến nay, anh An vừa nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch P.6, Q.Gò Vấp được 2 năm.
Địa bàn của phường 6 khá đặc biệt vì có tới 31.000 dân nhưng chỉ có 3 tuyến đường là Lê Đức Thọ, Nguyễn Oanh và Phạm Huy Thông; còn lại toàn là hẻm, ngoằn nghoèo, chằng chịt lên nhau. Ở đây chỉ có 1/3 là dân thường trú, còn lại là tạm trú đặt ra nhiều vấn đề buộc “ông” Chủ tịch phải giải quyết.
Anh Chủ tịch làm gì?
Phải thay đổi lịch hẹn mấy lần tôi mới gặp được anh Phan Đình An vì anh có nhiều việc. Bắt đầu cuộc trò chuyện, tôi hỏi: “Chủ tịch phường trẻ như anh phải làm những công việc gì?”. Anh An trả lời: “ Đầu tiên tôi được phân công làm Phó bí thư đảng ủy phụ trách công tác chính quyền, tức là làm chủ tịch. Tôi được phân công các nội dung liên quan đến công tác Đảng. Phụ trách các chi bộ, hoạt động của các chi bộ, bao gồm: dự các cuộc họp của chi bộ Đảng bộ bộ phận liên quan như hoạt động của khu phố, tổ dân phố. Phụ trách chi bộ Công an, chi bộ cơ quan kiêm bí thư chi bộ cơ quan”.
Vừa mở đầu câu chuyện mà anh đã khiến tôi cảm thấy choáng váng vì những việc mà anh đang phải làm. Tôi phải nhờ anh đọc chậm lại để ghi đúng và đủ các công việc của anh vào sổ. Anh An cười: “Nếu liệt kê hết các việc là Chủ tịch phường đang làm chắc cả một ngày, vì nhiều kinh khủng”.
Anh An là một Chủ tịch phường trẻ, năng động và luôn khiến người đối diện cảm thấy đầy năng lượng, nhiệt huyết Ảnh: Vũ Phượng
Anh An cho biết một tuần anh chủ trì 4 buổi họp của phường để xử lý các vấn đề dân sinh, dự 2 buổi họp quận. Được như vậy là do anh đã phân công ủy quyền cho Phó Chủ tịch đi dự một số cuộc họp khác. Thời gian còn lại anh An trực ở phường để ký giấy tờ hành chính và đi thực tế để quan sát đời sống của người dân.
Anh kể: “Một tuần 2 lần, tới 4 giờ chiều là tôi lại mặc quần jean, áo thun đi bộ vào các hẻm coi có chuyện gì không, tình hình dân ở thế nào, có gì thay đổi không, đi được một nửa phường thì về. Lúc đầu bà con không biết nhưng sau mấy cô chú biết nên rỉ tai nhau rồi canh đón để phản ảnh các vấn đề dân sinh”.
Phường toàn hẻm
Không biết có phải do toàn hẻm hay không mà tại phường 6 có tới 2/3 là dân tạm trú. Anh An chia sẻ, người dân thường trú thường phản ảnh các vấn đề liên quan vệ sinh môi trường, chất lượng cuộc sống dạng phi vật chất như ồn ào, xe cộ.
Còn người dân ở tạm trú lại phản ảnh các vấn đề liên quan vật chất như giá nhà trọ cao, điện nước hoặc xe cộ mất mát, việc người dân thuê trọ mất xe xảy ra nhiều. Do vậy, năm nào cũng phường cũng làm tờ rơi tuyên truyền về phòng chống trộm, cướp giật, các thủ đoạn lừa đảo. Tuy nhiên, có thể do những người tạm trú chủ quan nên vẫn xảy ra tình trạng mất mát tài sản.
Anh Chủ tịch Phan Đình An được người dân P.6 yêu quý, thường mời đi đám giỗ, đám cưới Ảnh: NVCC
Anh An đánh giá: “Ở phường 6 hạ tầng không bài bản, ở đây toàn hẻm chứ không có đường. Ba tuyến đường chính thì chỉ có Nguyễn Oanh trông cũng được, Lê Đức Thọ thì nhỏ xíu, Phạm Huy Thông chưa làm xong. Vì vậy, trường học tập trung hết trong hẻm”.
Cũng theo anh An, người dân hay than phiền về đường sá, cầu cống như mưa ngập, sụp hố ga, đường xuống cấp, kẹt xe trong hẻm. Các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đều nằm trong hẻm nên mỗi lần vô học và tan trường đều kẹt cứng.
Chính vì vậy, phường 6 đặt vấn đề cải tạo hẻm lên hàng đầu. Từ khi anh An làm Chủ tịch đến nay, phường đã cải tạo được 14 con hẻm, tất cả đều là tiền vận động dân đóng góp. Có những con hẻm sửa xong giá trị nhà đất trong hẻm tăng 20 - 30%, người dân ai nấy đều vui mừng.
Ở nhà ở xã hội, mỗi ngày chạy xe 36 km để đi làm
Khi tôi hỏi về thu nhập của Chủ tịch phường có đủ mua nhà Sài Gòn không, anh An thật thà trả lời: “Nói thật là nếu không có người thân trợ giúp thì không thể mua được. Nhiều cán bộ của phường vẫn đang ở trọ, tôi thì may mắn hơn mua được 1 suất nhà ở xã hội tại Bình Chánh. Từ đó vô tới trụ sở phường 6 là 18 km. Sáng tôi đi hết 1 giờ mới tới, lúc về thì kẹt xe hơn nên đi mất 1 giờ 15 phút”.
Anh An (áo hồng) là người khởi xướng Lễ trao giấy chứng nhận kết hôn ở phường 6, Gò Vấp Ảnh: UBND P.6 cung cấp
Anh An cho biết tư duy của anh nhiều khi khác một chút. Ví dụ như có những cái trong cơ chế hiện tại không thể tự làm được phải xin ý kiến, có những việc cấp trên chưa đồng ý nhưng anh thì cho rằng miễn sao đem lại lợi ích cho dân thì có thể áp dụng được.
Anh chia sẻ, ngày vừa về làm Chủ tịch phường, việc đầu tiên anh nghĩ là phải ổn định bộ máy thông qua cách điều hành: thân thiện cán bộ, chăm lo cho cán bộ. Sau đó đặt 3 vấn đề lớn là hạ tầng ở các tuyến hẻm, công tác chăm sóc cho việc học hành và an ninh trật tự ở địa phương.
“Quả thật, khi chăm lo cán bộ thì họ sẽ chuyên tâm làm việc. Cải tạo hẻm thì đời sống người dân được nâng cao, đường sá sạch sẽ hơn, an ninh tốt hơn. Ngay cả việc họp hành tại phường, tôi cũng rất hạn chế vì ngày nay có công nghệ, những cái không thật sự cần thiết thì có thể trao đổi qua nhóm trong zalo, facebook”, anh giải thích.

tin liên quan

Công an phường, xã có được dừng xe xử phạt như CSGT?
Khác với CSGT, công an phường, xã không được dừng xe tại tỉnh lộ, quốc lộ mà chỉ được dừng xe để xử lý một số lỗi vi phạm nhất định được quy định cụ thể. Rất nhiều bạn đọc thắc mắc về quyền hạn khi công an phường xã dừng xe xử phạt. Đó là các lỗi gì?
Đặc biệt, anh An luôn đặt tiêu chí rằng bản thân anh phải hoàn thành tốt công việc và sự quyết liệt trong giải quyết công việc để làm gương cho cán bộ.
Từ 2016, anh An triển khai cho Đoàn thanh niên của phường làm việc sao y, chứng thực “Giờ thứ 9” từ 17 giờ tới 19 giờ các ngày trong tuần để tăng thêm tiện ích cho người dân. Việc đăng ký kết hôn cũng được giải quyết ngay trong ngày, phường còn trang trọng làm lễ trao chứng nhận như để chúc mừng và ghi lại giây phút trọng đại của các cặp vợ chồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.