Sáng 15.2, tiếp tục phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 1.2022 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
gia hân |
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, nhân dân đặc biệt quan tâm kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Bên cạnh đó, nhân dân cũng quan tâm về số ca nhiễm Covid-19 tăng cao sau những ngày nghỉ tết Nguyên Đán; về chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường; về việc mua vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; về tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; về tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian gần đây do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân…
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian qua ngoài vấn đề “bỏ cọc”, còn xuất hiện hiện tượng tranh chấp giữa bên mua và bên bán do chênh lệch giá giữa thời điểm thỏa thuận và thời điểm ký hợp đồng.
Theo ông Huệ, cần có biện pháp kỹ thuật để tránh những tranh chấp tương tự.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian tết Nguyên đán vừa qua, một số nguyên lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Quốc hội có gọi điện phản ánh câu chuyện bắt vợ tại H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Ông Huệ cho biết, đọc thông tin trên báo chí thì thấy đây chỉ là trêu đùa nhau giữa cô bé 14 tuổi và cậu bé 16 tuổi, đã quen biết từ trước và hẹn nhau đi chơi, “bắt vợ” chỉ là giả vờ. Tuy nhiên, theo ông Huệ, bắt vợ là hủ tục từ xưa rồi nhưng bây giờ lại tiếp tục thì trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan của Quốc hội như thế nào.
“Các đồng chí cũng nên có cái kiểm tra, dư luận quan tâm chuyện đó. Hủ tục từ ngày xưa nhưng tại sao lại để nó kéo dài?”, ông Huệ nói và nhấn mạnh bất cứ chuyện gì xảy ra, có tác động xã hội thì các cơ quan Quốc hội phải chủ động vào cuộc.
Tương tự, dẫn câu chuyện sản xuất, cung ứng, tiêu thụ xăng dầu có tình trạng khan hiếm như vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội có văn bản giao cho Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội chủ trì, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan khác phối hợp để tổ chức giám sát.
“Qua việc này thì Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội phải chủ động. Trong lĩnh vực của mình có vấn đề gì nổi lên phải chủ động chứ không đợi lãnh đạo Quốc hội phải có văn bản, ý kiến. Vừa làm công tác dân nguyện vừa làm công tác giám sát, phối hợp Mặt trận, cơ quan Chính phủ kiểm tra, làm rõ”, ông Huệ nhấn mạnh.
Giải trình thêm về câu chuyện bắt vợ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua tìm hiểu sơ bộ thì 4 thanh thiếu niên trong sự việc nêu trên có quen biết nhau và khả năng gây hậu quả nghiêm trọng của vụ việc là chưa có.
Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định bắt vợ là hủ tục không nên và Ủy ban sẽ tổ chức giải trình hoặc giám sát để có đề xuất giải pháp để giải quyết.
“Đây cũng không phải hiện tượng cá biệt. Cách đây mấy năm ở Nghệ An cũng có trường hợp bắt vợ như vậy”, ông Vinh nêu.
Trước đó, ngày 7.2, sau nhiều lần trò chuyện, tỏ tình trên mạng xã hội, Giàng Mí Chơ (16 tuổi, ở xã Giàng Chu Phìn, H.Mèo Vạc, Hà Giang) hẹn V.T.S. (14 tuổi, ở xã Pải Lủng, H.Mèo Vạc, Hà Giang) ở khu vực tượng đài Thanh niên xung phong (xã Pải Lủng).
Sau đó, Chơ chở S. và 2 người bạn khác của bé gái đến trung tâm huyện Mèo Vạc chơi.
Đến 15 giờ 30 cùng ngày, S. đề nghị Chơ đưa về nhưng nam thanh niên này lại có hành động kéo bé gái giống như hủ tục "bắt vợ" (bị biến tướng từ tục "kéo dâu"), mặc cho S. không đồng ý.
Sự việc diễn ra trong 30 phút thì một cán bộ Công an xã Pả Vi đến hiện trường giải cứu bé gái. Sau vụ việc, nam thanh niên 16 tuổi rời địa phương để đi làm, còn S. được chính quyền địa phương mời đến trụ sở.
Bình luận (0)