Sáng 14.8, phát biểu khai mạc phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp 25 dự kiến kéo dài hơn 7 ngày, chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ 14 - 18.8 và đợt 2 trong 2 ngày 24 - 25.8.
Đây là phiên họp có nội dung lớn nhất từ đầu năm tới nay, tập trung cho công tác giám sát và xây dựng pháp luật.
Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho hay tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn thường niên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến các chuyên đề giám sát năm 2023 và 2024.
Về phiên chất vấn dự kiến sẽ diễn ra ngày mai (15.8), Chủ tịch Quốc hội cho hay, trên cơ sở đề xuất của 53 đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã tổng hợp thành 132 nhóm vấn đề đề xuất chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 2 nội dung quan trọng nhất để chất vấn là nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp và Bộ NN-PTNT.
Trong đó, về lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, các đại biểu sẽ chất vấn về công tác xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ tới nay, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Ngoài ra, còn có vấn đề thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Đối với lĩnh vực quản lý của Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Quốc hội cho biết tại phiên chất vấn diễn ra ngày mai, các đại biểu sẽ chất vấn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản.
Cùng đó là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực; vấn đề giá gạo và xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay.
"Các đồng chí biết tình hình lương thực trên thế giới một số nước cấm xuất khẩu gạo, một số nước rút khỏi thỏa thuận lương thực nên giá gạo tăng lên. Ta tận dụng cơ hội này như thế nào mà vẫn đảm bảo được ổn định thị trường và an ninh lương thực trong nước là bài toán cần phải tính toán để đạt được đa mục tiêu trong giai đoạn này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Ngoài chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dự kiến diễn ra trong chiều nay.
Đây là hoạt động giám sát quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cử tri, nhân dân hết sức mong đợi. Do đó, cùng với truyền hình trực tiếp phiên chất vấn, dự kiến cũng phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên giám sát để cử tri theo dõi.
"Đây là cuộc giám sát mà cơ quan chủ trì là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chuẩn bị khá công phu. Chiều nay, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo và ra nghị quyết với chuyên đề rất quan trọng này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho hay, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 12 dự án luật, nghị quyết. Trong đó có 8 dự án luật đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Nhắc đến 3 dự án luật liên quan đến đất đai là luật Đất đai sửa đổi, luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và luật Nhà ở sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là các dự án luật lớn, có tác động sâu sắc tới kinh tế - xã hội và liên quan mật thiết với nhau. Do đó, khi thông qua cần có sự thống nhất cao để khơi thông nguồn lực cho phát triển, đồng thời tránh sự chồng chéo, sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong này.
Về luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội cho hay, bảo hiểm xã hội là lưới an sinh quan trọng, cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều rất quan tâm.
"Vừa rồi, lần đầu tiên lãnh đạo Quốc hội đối thoại với anh chị em công nhân thì bảo hiểm xã hội cũng là vấn đề rất thời sự, rất được quan tâm", người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh.
Bình luận (0)