Sáng 12.7, nêu ý kiến góp ý với báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Ông Thanh dẫn trường hợp Công ty cổ phần An Phát, cho biết gần 6 tháng kể từ khi cơ quan công an kết luận doanh nghiệp này không có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế giá trị gia tăng, công ty này vẫn phải “chạy đi, chạy lại” liên tục giữa Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và Cục Thuế Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết việc hoàn thuế.
"Sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn mấy năm rồi, tiếp cận vốn thì rất khó khăn. Với An Phát thì cơ quan công an đã xác minh đủ điều kiện rồi mà cơ quan thuế cứ vòng vo", ông Thanh nói.
Nhấn mạnh việc Quốc hội đã yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói nếu Tổng cục Thuế không có hướng dẫn thì cả yêu cầu của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng “chả có giá trị gì”.
Trong vai trò điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương mời đại diện Bộ Tài chính giải trình, nêu rõ hướng xử lý việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Báo cáo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, công tác hoàn thuế giá trị gia tăng theo luật Thuế và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính thì hồ sơ hoàn thuế được phân làm 2 trường hợp, gồm: hồ sơ kiểm tra trước, hoàn thuế sau và hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, nếu đáp ứng đủ điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định thì cơ quan thuế hoàn toàn kịp thời, đúng quy định. Các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì cần phải kiểm tra để có cơ sở giải quyết, xử lý hoàn thuế theo quy định.
Theo ông Hùng, qua rà soát các thông tin trong những năm gần đây, cơ quan thuế nhận thấy một số doanh nghiệp hoàn thuế xuất khẩu các mặt hàng gỗ, lâm sản có rủi ro cao. Do đó, cơ quan thuế phải thực hiện công tác kiểm tra và xác minh.
"Có một số đối tượng đã lợi dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước để gian lận và chiếm đoạt tiền hoàn thuế", ông Hùng nói.
"Kéo dài mấy năm nữa thì mình làm doanh nghiệp mình có sống được không?"
Đại diện Bộ Tài chính cũng thông tin trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng của Công ty cổ phần An Phát, song Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị không đi sâu vào vụ việc mà Bộ Tài chính cần cho biết hướng khắc phục các phản ánh của doanh nghiệp thế nào.
Thấy ông Hùng tiếp tục báo cáo, song không nói hướng khắc phục mà tiếp tục giải trình vào vụ việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sốt ruột hỏi: "Hiện nay, tổng số tiền hoàn thuế chưa hoàn là bao nhiêu?".
Trả lời câu hỏi, ông Hùng nói sẽ tổng hợp và có báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Không đồng tình, Chủ tịch Quốc hội nói Quốc hội đã có nghị quyết và Chính phủ đã chỉ đạo, mà "giờ này còn nợ đọng bao nhiêu cũng không nói được".
"Doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn. Tiền hoàn thuế là tiền của người ta còn không cho hoàn nữa, kéo dài mấy năm nữa thì mình làm doanh nghiệp mình có sống được không?", Chủ tịch Quốc hội nói.
“Giờ này còn bao nhiêu nợ đọng chưa hoàn cũng không nói được là thế nào? Doanh nghiệp nộp thuế đầu vào đương nhiên phải được hoàn thuế đầu ra, đây là nghĩa vụ của Nhà nước chứ người ta không xin. Đây là tiền của người ta, quỹ để hoàn thì năm nào Quốc hội cũng bố trí, đấy là tiền của của người ta mà trì trệ thế này”, Chủ tịch Quốc hội nói, và nhấn mạnh yêu cầu đây là vấn đề phải làm ngay.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phải tiến hành phiên điều trần, giải trình về hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhắc lại yêu cầu này, và nói rằng, "việc này làm trong tháng 8 thì tốt".
Bình luận (0)