Chậm hoàn thuế, ai chịu trách nhiệm?

30/06/2023 04:11 GMT+7

Doanh nghiệp nợ thuế thì bị phạt, bị tính lãi, bị bêu tên, thậm chí bị cưỡng chế, nhưng việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp tính bằng năm thì chưa thấy cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Ở thời điểm hiện tại, khi đơn hàng khó khăn, tồn kho tăng, lãi vay cao và tiếp cận vốn không đơn giản thì việc bị giam tiền thuế vài chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) đối mặt với nguy cơ phá sản. Cũng phải nhắc lại là, các hồ sơ hoàn thuế này là hoàn toàn hợp lệ.

Thế nhưng, theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, các cục thuế, chi cục thuế tỉnh, thành phải tập trung đối chiếu xác minh thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào của DN qua các khâu từ F1, F2, F3… cho đến khâu cuối cùng. Thế là hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của các DN gỗ, cao su, nông sản, dự án đầu tư... bị treo trong khi quy định của luật về hoàn thuế GTGT không hề yêu cầu như vậy. Chuyện này được phản ánh rất nhiều lần. Thậm chí Thủ tướng mới đây cũng đã có chỉ đạo nhưng cũng không ăn thua. Số trường hợp được giải quyết vẫn hiếm hoi, đa phần tắc hoàn tắc.

Đáng nói, để quy trách nhiệm cho cơ quan thuế là rất khó. Bởi yêu cầu xác minh tất cả các khâu trung gian của Tổng cục Thuế về bản chất là đã lê thê, kéo dài, thậm chí bất khả thi. Cơ quan thuế hoàn toàn có thể dựa vào đó để chây ì hoàn thuế mà khó bị quy trách nhiệm.

Thế nên, giải quyết câu chuyện chậm hoàn thuế hiện nay là phải giải quyết tận gốc vấn đề. Đó là hủy bỏ các công văn nội bộ nhưng đứng trên cả luật của ngành này chứ không phải giải quyết từng trường hợp một. Bởi chúng ta đều thấy rõ ràng, trong hơn 1 tháng qua, rất nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu đẩy mạnh hoàn thuế cho DN nhưng tiến độ vẫn không đẩy lên được. Thậm chí còn có tình trạng đá qua đá lại, nơi này chờ nơi kia, nơi kia lại đổ cho nơi này trong khi sức khỏe của rất nhiều doanh nghiệp thì không chờ lâu hơn được nữa.

Cải cách thủ tục hành chính, việc quan trọng nhất chính là cắt bỏ các giấy phép con để rút ngắn quy trình, thời gian, tạo tiện lợi cho người dân, DN khi đến các cơ quan nhà nước. Thế nhưng, thực tế vẫn còn rất nhiều công văn nội ngành đang gây khó dễ trong thực thi quy định pháp luật. Công văn của ngành thuế nói trên là một ví dụ điển hình. Không chỉ gây khó cho DN, những quy định như thế này còn đi ngược lại với chủ trương hỗ trợ người dân, DN của Chính phủ để giúp họ lấy lại đà sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào phục hồi kinh tế đất nước.

Hoàn thuế chậm, phải có địa chỉ chịu trách nhiệm thì mới giải quyết được những ách tắc hiện nay. Nếu không thì tháo được lần này, sẽ có lần khác. Bỏ giấy phép con này, sẽ có giấy phép con khác...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.