Chủ tịch Quốc hội nêu 4 định hướng lớn trong quan hệ Việt Nam - Bulgaria

26/09/2023 12:45 GMT+7

Phát biểu tại ĐH Kinh tế quốc tế - quốc gia Sofia (Bulgaria), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ 4 định hướng hợp tác lớn trong quan hệ song phương Việt Nam - Bulgaria thời gian tới.

Chiều 25.9, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bulgaria, tại thủ đô Sofia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm và có bài phát biểu chính sách trước các học giả, giáo sư, giảng viên và đông đảo sinh viên tại ĐH Kinh tế quốc tế - quốc gia Sofia. 

Bulgaria là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định với những tương đồng về lịch sử, Việt Nam và Bulgaria đã gắn bó với nhau bằng mối quan hệ hữu nghị thủy chung, son sắt. 

Chủ tịch Quốc hội nêu 4 định hướng lớn trong quan hệ Việt Nam - Bulgaria - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại ĐH Kinh tế quốc tế - quốc gia Sofia

TTXVN

Phân tích tình hình khu vực và thế giới hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng thế giới chưa bao giờ bước vào thời kỳ thay đổi nhanh chóng, sâu sắc và phức tạp như hiện nay, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chính. 

"Một thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo là nguyện vọng và ước mơ cháy bỏng của mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới. Đó là mẫu số chung cho mọi quan hệ hợp tác song phương và đa phương ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong bối cảnh chiến tranh, xung đột diễn ra ở nhiều nơi, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và phức tạp, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam ủng hộ giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, khu vực Trung Đông Âu đóng một vai trò rất quan trọng, là cửa ngõ, cầu nối để Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với các quốc gia trong khu vực, trong đó Bulgaria là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu.

 4 định hướng hợp tác trong quan hệ Việt Nam - Bulgaria 

Với hành trang là một lịch sử quan hệ hữu nghị, hợp tác chân thành, hiệu quả, hướng tới nâng quan hệ lên tầm cao mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu một số định hướng hợp tác lớn trong quan hệ song phương Việt Nam - Bulgaria thời gian tới.

Thứ nhất là làm sâu sắc quan hệ chính trị, ngoại giao. Chủ tịch Quốc hội đề nghị thúc đẩy tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan của hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác chuyên ngành trong các lĩnh vực mới hai bên cùng quan tâm và có thế mạnh.

Việt Nam mong muốn Bulgaria với tư cách là nước bạn bè hữu nghị truyền thống là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam với EU. Việt Nam sẵn sàng làm cửa ngõ để Bulgaria tăng cường hơn nữa hợp tác với ASEAN.

Chủ tịch Quốc hội nêu 4 định hướng lớn trong quan hệ Việt Nam - Bulgaria - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội nêu 4 định hướng lớn trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Bulgaria trong thời gian tới

TTXVN

Thứ hai là mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương thời gian tới. Theo Chủ tịch Quốc hội, hai bên cần tích cực triển khai các thỏa thuận, biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Bulgaria về hợp tác kinh tế nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá về đầu tư, thương mại, từ đó đóng góp cho phục hồi, phát triển kinh tế bền vững.

Thứ ba là kết nối hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng hai nước cần nắm bắt những cơ hội to lớn mà các xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo… đang mang đến. Theo đó, phải đẩy nhanh các sáng kiến liên kết, hợp tác kinh tế mới ở các cấp độ khu vực và toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực thúc đẩy xây dựng hình thái toàn cầu mới công bằng, bền vững hơn đối với tất cả các nước và các nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ hy vọng Việt Nam và Bulgaria sẽ hợp tác cụ thể trong lĩnh vực có nhiều đột phá và mới mẻ này.

Thứ tư là đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực truyền thống như GD-ĐT, văn hóa, lao động...

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của mọi quyết sách

Sau phát biểu chính sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc trao đổi cởi mở với các giảng viên và sinh viên ĐH Kinh tế quốc tế - quốc gia Sofia về những bài học của Việt Nam qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. 

Trong đó, về đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. 

Theo tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng khép lại quá khứ, thu hẹp bất đồng, tăng cường sự hòa đồng, hiểu biết lẫn nhau để tăng cường hợp tác vì mục tiêu chung trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Gần đây nhất, ngày 10.9, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Mỹ đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. 

Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước, trong đó có các quốc gia là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với hơn 140 nghị viện trên thế giới.

Về đối nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh bài học "lấy dân làm gốc". Mọi quyết sách của Quốc hội, Chính phủ đều phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. 

"Chúng tôi coi sự tham gia của người dân trong công cuộc đổi mới vừa là động lực, vừa là mục tiêu. Nếu không có sự tham gia của người dân thì sự nghiệp đổi mới không thể thành công được và bản thân sự nghiệp đổi mới cũng không có ý nghĩa nếu thành quả của đổi mới mà người dân không được thụ hưởng. Việt Nam cũng xác định văn hóa và con người là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Gia tăng các hoạt động thương mại, đầu tư Việt Nam - Bulgaria

Chiều 25.9 giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bulgaria, tại thủ đô Sofia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp đại diện Phòng Thương mại - Công nghiệp Bulgaria; Hiệp hội Công nghiệp Bulgaria; Công ty Geotechmin Ood chuyên về khai khoáng, xây dựng, năng lượng; Công ty Biovet JSC chuyên về thuốc thú y...

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, chia sẻ thông tin và bày tỏ mong muốn kết nối, sẵn sàng hợp tác đầu tư, kinh doanh với đối tác của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết một trong những mục tiêu trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Bulgaria lần này của đoàn là thúc đẩy gia tăng các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao khi Quốc hội Bulgaria vừa phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) với số phiếu tuyệt đối. Nhấn mạnh đây là một bước tiến để cùng với sự phê chuẩn của nghị viện các nước thuộc EU khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn EVIPA sẽ sớm có hiệu lực, đi vào thực thi, sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên EU và Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hiệp hội Công nghiệp Bulgaria cũng như Phòng Thương mại - Công nghiệp Bulgaria kết nối với Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đồng thời giao Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria phối hợp cùng các tổ chức hữu quan của Bulgaria tổ chức các sự kiện như tọa đàm, tổ chức các đoàn doanh nghiệp hai nước đi tìm hiểu thị trường của nhau, tham dự các diễn đàn, hội chợ, triển lãm… để kết nối doanh nghiệp và tìm hiểu về cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa hai nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy mô thương mại của hai nước còn rất nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại của Bulgaria cũng như Việt Nam. Cùng với tăng cường trao đổi thương mại, EVIPA sau này khi có hiệu lực, đi vào thực thi sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư vào thị trường của nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.