"Mình toàn chuyên gia đọc chả hiểu người dân làm sao góp ý"
Chiều 13.12, tiếp tục phiên họp 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Đất đai sửa đổi (Nghị quyết).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp |
gia hân |
Nêu "một số suy nghĩ", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ nội hàm "nhân dân" để xác định rõ đối tượng lấy ý kiến.
"Doanh nghiệp có phải nhân dân không?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu câu hỏi cho biết, ông mới nhận được văn bản góp ý của các doanh nghiệp với những đề xuất rất cụ thể chứ không chỉ có những bình luận, đánh giá chung chung.
Nhấn mạnh hình thức lấy ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu việc lấy ý kiến phải làm sao cho thực chất, hiệu quả, "tránh chuyện mình làm hình thức, hiệu quả thấp, đóng góp không được nhiều".
Dẫn ví dụ việc đăng tải dự thảo luật lên cổng thông tin để nhân dân góp ý, Chủ tịch Quốc hội cho rằng "nhiều dự thảo đọc qua thì rất êm nhưng khi ban hành rồi thì nhiều người mới giật mình, hóa ra cái này, hóa ra cái kia".
"Mình toàn chuyên gia đây còn chả hiểu nữa thì người dân làm sao mà góp ý", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị cần có những người như "báo cáo viên" để nêu ra các vấn đề, sự tác động của chính sách tới người dân để người dân hiểu, góp ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ "băn khoăn" về chủ thể lấy ý kiến cũng như sử dụng kết quả lấy ý kiến.
"Theo kế hoạch, chủ thể lấy ý kiến là Chính phủ vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội thì thế nào? Trong kế hoạch thì Thường vụ Quốc hội lấy kết quả sử dụng, rất thụ động thế thôi thì có được không? Mình chỉ ban hành Nghị quyết rồi ngồi chờ Chính phủ gửi về? Mà Chính phủ ở đây cũng chỉ ngồi chờ Bộ TN-MT. Tôi thấy các bước này trình tự, thủ tục có vẻ rất chặt chẽ nhưng khó hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội nói.
Thực tâm lắng nghe, minh bạch mới có hiệu quả
Nhiều ý kiến các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó cũng cùng quan điểm nói trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu ý kiến |
gia hân |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cũng nhìn nhận, nếu đưa dự thảo lên cổng thông tin để lấy ý kiến thì hiệu quả không cao vì ngay cả đại biểu Quốc hội tiếp nhận cả chồng hồ sơ cũng chưa thẩm thấu hết được.
Ông Huy cho rằng nếu không xác định cụ thể nội dung, hình thức, đối tượng, địa bàn lấy ý kiến thì rất khó làm. Theo ông Huy, cơ quan lấy ý kiến cần thực tâm lắng nghe, đồng thời phải khách quan, công tâm, minh bạch thì việc lấy ý kiến mới có hiệu quả.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị bổ sung một điều về kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết.
"Nhiều khi ý kiến sắc sảo, phù hợp với lợi ích chung nhưng không phù hợp với cơ quan quản lý nhà nước thì lại không được tổng hợp. Do đó, tôi đề nghị các góp ý phải gửi về cả Quốc hội và Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra có bộ phận để tiếp nhận, tổng hợp", ông Cường kiến nghị.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, cũng đề nghị việc tổng hợp ý kiến phải cùng lúc qua 3 kênh, ngoài Chính phủ và chính quyền địa phương thì gồm 2 kênh khác là Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Kéo dài thời gian lấy ý kiến tới 15.3.2023
Về thời gian tổ chức lấy ý kiến, Chính phủ dự kiến lấy ý kiến từ 3.1.2023 - 28.2.2023. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra tờ trình đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết 15.3.2023 vì thời gian này trùng với dịp tết Nguyên đán, việc lấy ý kiến sẽ gặp khó khăn.
Nhiều ý kiến Thường vụ Quốc hội sau đó cũng đồng tình với việc kéo dài thời gian lấy ý kiến.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, thậm chí có thể kéo dài thời gian lấy ý kiến tới hết tháng 3.2023 vì để các địa phương triển khai lấy ý kiến xuống tận cấp xã sẽ cần nhiều thời gian.
Bình luận (0)