Điểm mới đáng chú ý là quy định chủ tịch tỉnh có thể nhận khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Theo đó, nghị định quy định chức danh như phó trưởng ban của Đảng ở trung ương, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, phó chủ nhiệm uỷ ban của Quốc hội, phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phó tổng Kiểm toán nhà nước; thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, thứ trưởng, phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phó các đoàn thể ở trung ương, phó bí thư, chủ tịch UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội và TP.HCM), tổng cục trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên… thì được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.
Tuy nhiên, nghị định cũng quy định các chức danh này có thể tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe và sẽ do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét quyết định.
Trong trường hợp này, công đoạn khoán kinh phí gồm đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan (và ngược lại); đi công tác.
Khi đó, hình thức khoán là theo km thực tế hoặc hình thức khoán gọn. Theo đó, đối với công đoạn đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại thì mức khoán được xác định trên cơ sở số km từ nơi ở đến cơ quan (2 lần/ngày), số ngày làm việc thực tế trong tháng và đơn giá khoán.
Đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô còn có các đơn vị thuộc, trực thuộc cục, tổ chức tương đương cục thuộc, trực thuộc bộ. Cơ quan trung ương không được trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung; trường hợp có chức danh tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê dịch vụ xe ô tô khi đi công tác.
Bình luận (0)