Chủ tịch TP.HCM làm Tổ trưởng Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

Đình Sơn
Đình Sơn
04/06/2023 19:33 GMT+7

Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM có 14 thành viên, trong đó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng.

Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường làm Tổ phó thường trực, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai làm tổ phó.

Quyết định được ban hành để thay thế Quyết định 1995 năm 2020 của UBND TP.HCM về việc thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố.

Tổ công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố do các sở, ban ngành của thành phố đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.

Đồng thời, rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có hướng xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.

Ngoài ra, Tổ công tác còn có nhiệm vụ rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

TP.HCM làm tổ trưởng tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản - Ảnh 1.

Dự án của Công ty Gotec Land đã có chủ trương cho bán 50% số căn hộ, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức, khiến doanh nghiệp mỏi mòn chờ đợi

ĐÌNH SƠN

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 148 dự án nhà ở vướng mắc pháp lý, với 189 kiến nghị giải quyết, tháo gỡ. Đến nay, Sở Xây dựng đã nhận được báo cáo tiến độ trả lời của 8 đơn vị liên quan là: Sở KH-ĐT, Sở GT-VT, Ban Quản lý khu Nam, Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính), Cục thuế TP.HCM, Sở QH-KT và UBND TP.Thủ Đức.

Cụ thể, Sở KH-ĐT có 38 kiến nghị liên quan 27 dự án đã có 29 văn bản trả lời; Sở Xây dựng có 20 kiến nghị liên quan 20 dự án đã có 17 văn bản trả lời; Sở QH-KT có 21 kiến nghị liên quan 21 dự án đã có 13 văn bản trả lời; Ban Quản lý khu Nam có 1 kiến nghị liên quan 1 dự án đã có văn bản trả lời.

Trong đó Sở TN-MT TP.HCM đã giải quyết dứt điểm 10 kiến nghị, 73 kiến nghị đang xem xét giải quyết, 7 hồ sơ kiến nghị tạm dừng giải quyết, 2 kiến nghị không phù hợp với pháp luật hiện tại và 2 kiến nghị không thuộc trách nhiệm của sở.

10 kiến nghị được giải quyết gồm: Giao đất bổ sung cho Công ty Địa ốc Sài Gòn 9 tại dự án cao ốc văn phòng Park IX (quận Tân Bình); gia hạn thời gian thuê đất cho Tập đoàn Keppelland cho dự án Saigon Centre (quận 1); giải quyết việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của Công ty Lê Thành để làm dự án nhà ở xã hội. Đã giải quyết kiến nghị chuyển mục đích sử dụng đất của Công ty TNHH Emico Sài Gòn tại dự án khu C - khu nhà ở đài phát sóng phát thanh Quán Tre (quận 12). 

Đồng thời chấp thuận cho Công ty Cổ phần Dệt Đông Nam được chuyển mục đích sử dụng hơn 56.000m2 đất để thực hiện dự án tại quận Tân Phú. Có văn bản đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất an ninh sang đất ở tại dự án khu nhà ở quận 12 của Công ty Cổ phần Phú Cường. 

Sở cũng đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về việc Công ty Lê Thành xin miễn tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội tại quận Bình Tân. Bên cạnh đó đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn; đã có văn bản gửi UBND TP.HCM liên quan đến kiến nghị của Công ty Cổ phần Sinh thái Văn hóa Vĩnh Lộc kiến nghị hủy bỏ quyết định thu hồi đất đối với dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh).

Đối với 7 hồ sơ kiến nghị tạm dừng giải quyết liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất từ các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa để đầu tư dự án nhà ở và một số kiến nghị khác, theo Sở TN-MT TP.HCM, UBND TP.HCM báo cáo Quốc hội, Chính phủ đưa vào nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách cho TP.HCM. Vì thế, sau khi Nghị quyết mới có hiệu lực sẽ xem xét giải quyết vì hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau. Ngoài ra, hàng loạt dự án nhà ở của các tập đoàn lớn đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhưng hiện các doanh nghiệp này mới "xin thẩm định và phê duyệt tiền sử dụng đất cho dự án".

UBND TP.HCM cũng đã có chủ trương tháo gỡ khó khăn cho 11 dự án. Tuy nhiên, theo phản hồi từ các chủ đầu tư, hiện thành phố chỉ mới có chủ trương, chưa ra quyết định cụ thể. Chính vì vậy, các khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn đó và đang trông ngóng từng ngày để có kết quả tháo gỡ cụ thể.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nghị quyết chỉ đạo khó khăn cho thị trường bất động sản, thế nhưng mọi chuyển biến vẫn rất chậm chạp khi mà các địa phương chỉ giải quyết theo kiểu đối phó, không đi vào thực chất. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.