Chủ tịch TP.HCM: Mở rộng thi tuyển lãnh đạo sở, quận, doanh nghiệp nhà nước

06/08/2024 11:58 GMT+7

Sở Nội vụ cần nghiên cứu mở rộng thi tuyển lãnh đạo đối với các chức danh phó chủ tịch quận, phó giám đốc sở và tổng công ty, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Yêu cầu trên được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra tại hội nghị tổng kết đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương năm 2022 diễn ra sáng 6.8.

Khẩn trương hoàn thành kế hoạch thi tuyển

Trong năm 2022, có 13 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở TP.HCM được bổ nhiệm thông qua thi tuyển. Ông Mãi đánh giá các kỳ thi được tổ chức công phu, chọn được đúng người, góp phần thay đổi nhận thức về công tác cán bộ.

Dù vậy, thực tế cũng chỉ ra sự lúng túng, tâm lý e ngại nhất định, ở cấp ủy, cơ quan sử dụng cán bộ và chính cán bộ, công chức thi tuyển, nhất là việc đánh giá người từng dự thi mà không đạt.

Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tiếp tục thí điểm và mở rộng thi tuyển lãnh đạo cấp sở, UBND cấp quận và các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2024. Theo đó, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các đơn vị nhanh chóng hoàn thiện các văn bản trình UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thi tuyển trước ngày 15.8. Quá trình tham mưu kế hoạch cần trao đổi Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, tham khảo các bộ ngành, địa phương khác.

Chủ tịch TP.HCM: Mở rộng thi tuyển lãnh đạo sở, quận, doanh nghiệp nhà nước- Ảnh 1.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở, cấp quận trong quý 4/2024

NGUYÊN VŨ

Tương tự, thủ trưởng các sở ngành, quận huyện xây dựng kế hoạch thi tuyển lãnh đạo cấp phòng năm 2024, hoàn thành trước ngày 30.9. "Tất cả đơn vị có nhu cầu kiện toàn lãnh đạo cấp phòng, cấp sở, cấp quận phải có ít nhất 1 chức danh bổ nhiệm thông qua thi tuyển", ông Mãi yêu cầu. Các kỳ thi tổ chức trong quý 4, hoàn thành trước ngày 15.12.

Trong kế hoạch thi tuyển lãnh đạo cấp sở của Sở Nội vụ có Sở KH-CN, Sở VH-TT và Sở LĐ-TB-XH. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM gợi mở Sở Tài chính, Sở An toàn thực phẩm, UBND Q.6 nếu có nhu cầu bổ sung lãnh đạo cấp phó thì đăng ký.

Một yêu cầu khác được ông Mãi đưa ra là phải công khai, minh bạch điều kiện, tiêu chuẩn tham gia thi tuyển và công bố rộng rãi, như thi tuyển trưởng phòng của sở thì 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức phải biết và ngược lại. "Đối tượng thi tuyển rất dồi dào, vừa qua thông tin chưa thông suốt nên ít đối tượng tham gia", ông Mãi nhìn nhận.

Về hội đồng thi tuyển, Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý cần đảm bảo cơ cấu từ 50 - 70% là ủy viên ban thường vụ cấp ủy nơi tuyển dụng, lãnh đạo quản lý nhân sự và chuyên gia trong ngành. Bộ đề thi phải kiểm tra, đánh giá được kiến thức chung về quản lý, những tình huống giả định.

Mở rộng thành phần dự thi để nâng tính cạnh tranh

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết từ cuối năm 2020 đến năm 2022, tình hình nhân sự Ban giám đốc Bệnh viện Mắt có biến động rất lớn, thiếu giám đốc và phó giám đốc khiến bệnh viện gặp khó khăn trong quản lý, đặc biệt là công tác đấu thầu.

Nhân viên bệnh viện hoang mang trước các thông tin điều động nhân sự từ nơi khác về, có cả thông tin người từ tỉnh khác đến, ảnh hưởng đến hoạt động bệnh viện và điều trị, phục vụ người dân.

Ông Thượng cho biết mục tiêu mà Sở Y tế đặt ra khi tổ chức thi tuyển giám đốc Bệnh viện Mắt là không cần tìm một bác sĩ chuyên khoa giỏi mà muốn tìm một nhà quản lý giỏi. Tuy nhiên, chức danh này được coi là chiếc ghế nóng, đến trước ngày hết hạn nộp hồ sơ chỉ có một người đăng ký.

Chủ tịch TP.HCM: Mở rộng thi tuyển lãnh đạo sở, quận, doanh nghiệp nhà nước- Ảnh 2.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đánh giá việc thi tuyển Bệnh viện Mắt TP.HCM khó như bảo vệ luận văn tiến sĩ

NGUYÊN VŨ

Sau đó, Ban giám đốc Sở Y tế họp khẩn với giám đốc bệnh viện hạng 2 và phó giám đốc bệnh viện hạng 1 có nhiều kinh nghiệm trao đổi về tính quan trọng, cấp thiết của thi tuyển lãnh đạo. Nhờ vậy, có 25 ứng viên đăng ký.

"Độ khó của kỳ thi không khác gì việc bảo vệ luận án tiến sĩ", Giám đốc Sở Y tế đánh giá. Kết quả, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trúng tuyển và được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Mắt. Đây là lần đầu tiên ngành y tế TP.HCM có mô hình giám đốc bệnh viện chuyên khoa không đòi hỏi phải có cùng chuyên khoa sâu của bệnh viện.

Trao đổi tại hội nghị, bà Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng Tư pháp TP.Thủ Đức chia sẻ trong 20 năm công tác, trải qua nhiều cuộc thi chuyên viên, chuyên viên chính nhưng chưa có kỳ thi nào hồi hộp, lo lắng như lúc tham gia kỳ thi Trưởng phòng Tư pháp TP.Thủ Đức.

Kỳ thi này có 3 thí sinh đăng ký tham gia. Bà Hoàn cho biết đây là dịp để bản thân hệ thống lại tòa bộ kiến thức và kỹ năng quản lý của Phòng Tư pháp. Khi bước vào phòng thi, bà Hoàn đối diện với hội đồng gồm các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức và Giám đốc Sở Tư pháp.

Chủ tịch TP.HCM: Mở rộng thi tuyển lãnh đạo sở, quận, doanh nghiệp nhà nước- Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng Tư pháp TP.Thủ Đức

NGUYÊN VŨ

Kết quả bà Hoàn trúng tuyển, 2 người còn lại hiện là phó trưởng Phòng Tư pháp. "Trước kỳ thi, cả 3 động viên nhau cùng nỗ lực, dù ai trúng tuyển thì 2 người còn lại đều ủng hộ", Trưởng phòng Tư pháp TP.Thủ Đức kể thêm. Khi nhân sự được kiện toàn, cả phòng đoàn kết trong công việc, năm 2023 đạt cờ thi đua xuất sắc của UBND TP.HCM.

Bà Hoàn nói bản thân ủng hộ việc mở rộng thành phần dự thi, nâng cao tính cạnh tranh, tìm được người có đức, có tài, đồng thời cho rằng cần làm tốt tâm lý để nhân sự từ các đơn vị khác xóa bỏ tâm lý e ngại, sẵn sàng tham gia dự tuyển.

"Những người ứng tuyển thường lo ngại lãnh đạo của mình có đồng ý hay không, và nếu không trúng tuyển thì mọi người nhìn mình với con mắt như thế nào", Trưởng phòng Tư pháp TP.Thủ Đức chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.