Chủ tịch UBND TP.HCM nói về việc học ĐH để ‘tự tin có sự nghiệp thành công’

Hà Ánh
Hà Ánh
30/09/2022 18:04 GMT+7

Trong lễ khai giảng năm học mới của Trường ĐH Kinh tế-Luật, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có những chia sẻ tâm huyết với các tân sinh viên về phát triển sự nghiệp.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu trong lễ khai giảng sáng 30.9

UEL.EDU.VN

Sáng 30.9, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã tham dự lễ khai giảng năm học 2022-2023 của Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).

‘Đừng nghĩ mình là sinh viên năm thứ nhất, mình không có gì để góp ý’

Phát biểu trước các tân sinh viên, ông Mãi cho biết TP.HCM chào đón tất cả mọi người từ mọi miền đất nước, kể cả nước ngoài đến học tập và công tác. “Trong quá trình học tập, công tác, nếu các bạn gặp khó khăn gì thì hãy cho nhà trường, chính quyền được biết để cùng tháo gỡ và chia sẻ”, ông Mãi nói.

“Như các bạn cũng biết, việc của TP này cũng là việc của đất nước. Cho nên chúng ta hãy mạnh dạn và tự hào để đóng góp cho sự phát triển của TP, của đất nước. Rất mong nhận được những sáng kiến, ý kiến đóng góp của các bạn sinh viên, quý thầy cô đối với TP”, ông chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Đừng nghĩ mình là sinh viên năm thứ nhất thì không có gì để góp ý. Đừng nghĩ những ý kiến của mình là nhỏ rồi ngại góp ý. Đôi khi từ những ý kiến, sáng kiến của sinh viên, TP có thể giải quyết nhiều vấn đề hoặc phát triển thành các việc lớn của TP”.

Lễ khai giảng năm học mới Trường ĐH Kinh tế-Luật diễn ra vào sáng 30.9

UEL.EDU.VN

‘Khởi nghiệp là khởi đầu một sự nghiệp chứ không chỉ là khởi nghiệp kinh doanh…’

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM trăn trở: “Bây giờ vẫn còn không ít phụ huynh và sinh viên giữ quan điểm tốt nghiệp cấp 3 xong là phải học ĐH. Đôi khi sự lựa chọn học tại một trường ĐH nào đó chưa phải là chính xác. Học xong ĐH thì câu chuyện phát triển bản thân và sự nghiệp cũng chưa được nhìn nhận, chuẩn bị một cách đầy đủ”.

"Mà như thế, chúng ta mất 4 năm học ĐH, ra trường, đạt được một kết quả cũng vừa phải nhưng lại không được chuẩn bị về tinh thần, năng lực, phương pháp, kỹ năng để có thể khởi nghiệp. Khởi nghiệp ở đây chúng tôi muốn nói là khởi đầu một sự nghiệp chứ không chỉ là khởi nghiệp kinh doanh”, ông Mãi chia sẻ.

Vì thế, ông Mãi lưu ý các trường ĐH cần trang bị toàn diện về kiến thức và kỹ năng cho người học để cuối cùng mỗi sinh viên tốt nghiệp ĐH đều có thể trở thành một nhân lực quan trọng trong xã hội.

Ông Mãi nói thêm: “Chúng ta cần nghiên cứu toàn diện những khía cạnh của ĐH khởi nghiệp, trên tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và khởi nghiệp để mỗi người học sau khi tốt nghiệp tự tin lẫn tự hào là một người có sự nghiệp thành công và có những đóng góp dù ít dù nhiều cho sự phát triển của đất nước”.

Những nghiên cứu tư vấn của chuyên gia, nhà khoa học rất cần thiết

Từ định hướng phát triển của TP.HCM đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, ông Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn việc đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM nói chung và Trường ĐH Kinh tế-Luật nói riêng cần gắn sát với mục tiêu này.

Ông Mãi lưu ý: “Chúng ta có chương trình đào tạo nhân lực của TP ở các ngành trọng điểm. Nhân lực về kinh tế, kinh doanh, luật, về chuyển đổi số hiện tại đang rất cần. Vì thế, trong chương trình hợp tác giữa UBND và ĐH Quốc gia TP.HCM, chúng ta cần xác lập khung hợp tác về đào tạo nhân lực và Trường ĐH Kinh tế-Luật sẽ là một cơ sở để chúng ta cụ thể hóa điều này”.

Về hoạt động nghiên cứu, ông Mãi nhắn nhủ: “Chúng tôi rất hoan nghênh việc hình thành các nhóm nghiên cứu sâu, chương trình dự án. UBND TP.HCM sẵn sàng đồng hành cùng những nghiên cứu này bằng cách hỗ trợ nguồn kinh phí, tạo điều kiện để thực hiện các dự án”.

Ông cũng cho biết lãnh đạo TP trong thời gian chống dịch Covid -19, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, cũng như giai đoạn sắp tới luôn lắng nghe những ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng chiến lược, hoàn thiện chính sách và đặc biệt là trong điều hành.

“Nếu không có sự đóng góp ý kiến đó, nếu không có sự tương tác lắng nghe và điều chỉnh thì chắc chắn kết quả phòng chống dịch, phục hồi kinh tế vừa qua không đạt được như thế này. Hoạt động nghiên cứu, tư vấn của các trường ĐH, chuyên gia, nhà khoa học là rất quan trọng và cần thiết”, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.