|
Bao nhiêu bút mực, bao nhiêu chữ nghĩa, bao nhiêu câu từ đều được huy động toàn lực cho cuộc đấu này. Mà lại phải tìm ra cái mới lạ, cái khác biệt, cái riêng có trong một cuộc cạnh tranh gay gắt về ngôn từ, về diễn đạt...
Từ chuyện viết lách...
Năm nay, chuẩn bị vào cuộc, tuần báo Thể Thao và Văn Hóa Cuối Tuần tung ra bài báo có cái tít “Em ơi mùa Euro đến rồi đó” (phỏng theo tên ca khúc Em ơi mùa xuân đến rồi đó, Trần Chung). Tin nhanh Tuổi Trẻ ra mắt ngay ngày khai mạc với một Lá thư tòa soạn mang tên “Nâng chén Euro để tiêu sầu” (phỏng theo ca từ trong Uyên ương hồ điệp mộng, bài hát chủ đề của bộ phim Bao Thanh Thiên). Mục Góc nhìn trên Dân Việt, cây bút Phạm Xuân Nguyên tung ra bài viết với cái tựa dùng ngay tên riêng Euro làm động từ: “Nào ta cùng Euro!”.
Thôi thì đủ kiểu mô phỏng, giễu nhại từ sách từ phim từ thơ từ nhạc. Khi Torres hồi sinh sau trận gặp Ireland, lập tức có “Torres, cuộc đời vẫn đẹp sao” (ca khúc, Phan Huỳnh Điểu). Khi Shevchenko tỏa sáng ngay trong trận đầu gặp Thụy Điển, thế là có “Shevchenko, mãi mãi tuổi 20” (nhật ký Nguyễn Văn Thạc). Khi cơn lốc màu da cam thảm bại, ra về tay trắng không một điểm lận lưng là lúc người ta cười cợt “Hà Lan, tiếng chim hót trong bụi... chuối” (nhại tên tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen McCulough). Nhưng lúc Croatia rời cuộc chơi thì có ngay một giọng thương cảm Cuộc chia ly màu đỏ (thơ, Nguyễn Mỹ)...
Sau loạt trận đầu tiên của vòng đấu bảng, quá thất vọng với các tiền đạo Balotelli (Ý), Ronaldo (Bồ Đào Nha), Torres (Tây Ban Nha) đã thi đấu hết sức... chân gỗ, không còn ra bóng ra dáng của những cầu thủ được kỳ vọng, Nguyễn Văn Du, một bạn đọc báo Thanh Niên, đã hạ bút châm biếm bằng bài “Cầu thủ say “sưa” tại Euro”. Chẳng có chuyện nhậu nhẹt gì ở đây, mà chính là tác giả tặng cho các chàng cái tội quá mê sưa, một loại gỗ quý đắt giá ở nước ta nên bỏ bê chuyện chơi bóng! Thật là một kiểu chơi chữ vừa dí dỏm vừa thời sự.
Euro năm nay diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công diễn ra ngày càng căng thẳng ở châu u, trong đó nước Đức nổi lên như một đại gia đang ra tay nghĩa hiệp cứu vớt lối xóm xa, láng giềng gần. Vậy nên khi Đức vào tứ kết cùng Hi Lạp, người ta liền gọi ngay là cuộc chiến giữa chủ nợ và con nợ! Bóng đá quả nhiên nóng sốt chuyện chính trường...
... Đến việc ăn nói
Trên mạng xã hội mấy tuần qua, lan truyền như sóng ánh sáng câu nói nhầm của một tường thuật viên trực tiếp truyền hình: “Sức chứa của sân vận động là 35.000 chỗ ngồi và dường như hôm nay trên sân đã không còn một chỗ... kín”.
Chắc là anh muốn nói đến cái gọi là chỗ trống. Dĩ nhiên nói nhầm cũng là chuyện bình thường của nghề ăn nói. Chỉ có điều cái sự nói nhầm này lại rơi vào một vùng miền quá... nhạy cảm nên cộng đồng mạng phản ứng dữ dội cũng là điều có thể hiểu được.
Xin thử tập hợp lại trong mùa Euro 2012 vài kiểu diễn đạt đã được “phát hành”, để thấy cái rủi ro, cái nguy hiểm, cái cạm bẫy trong chuyện “sản xuất trực tiếp” lời ăn tiếng nói của những người làm nghề tường thuật, bình luận, đưa tin thể thao trên sóng truyền hình:
Nếu cú ngã người đá bóng của Wayne Rooney ghi thành bàn thì sẽ thành cú dứt điểm kết liễu trận đấu (hẳn là trong trường hợp này phải dùng chữ kết thúc). Một pha bóng có thể mở toang tấm vé vào bán kết (chỉ có thể mở toang cánh cửa hoặc giành lấy tấm vé). Không thấy rõ Ashley Young sút bật xà ngang hay đập cột dọc, vì anh sút quá mạnh (ai cũng thấy chuyện nhìn không rõ là do bóng đi nhanh chứ không phải vì mạnh).
Trong một không gian chật hẹp, các cầu thủ phải tìm cho được đối tác để phối hợp (sao không là đồng đội cho dễ hiểu). Một đường chuyền tương đối có ý đồ, một pha bóng tương đối tuyệt vời (quả là... tương đối đúng)...
Mùa Euro 2012, đếm sao cho hết những ý kiến của báo giới, những phát biểu của cầu thủ, huấn luyện viên, người hâm mộ... Trong đó có cả câu nói đã kịp được đồng đội bịt lại như của Balotelli (Ý), hay những lời lẽ đã thành “vạ miệng” của Arshavin (Nga), Nasri (Pháp).
Chúng tôi mạo muội bình chọn câu nói hay nhất là câu nói của tổng biên tập báo Le Point (Pháp) Hervé Gattegno phân tích sau thất bại của đội bóng của Laurent Blanc: “Các cầu thủ của chúng ta thường là những đứa trẻ ngạo mạn và ít được giáo dục, một số lại thất học nên tiền bạc là giá trị duy nhất của họ”. Câu nói ấy đáng để chúng ta suy ngẫm mãi. Vì đó không phải là chuyện riêng của xứ Tây, và cũng không phải là chuyện chỉ có trong bóng đá.
Theo Duyên Trường / Tuổi Trẻ
>> “Nóng” cùng Euro 2012
>> Thị trường ti vi sốt theo Euro 2012
>> Khát vọng chữ nghĩa
>> Chủ nghĩa thành tích và "trò chơi con số
>> Lại nói chuyện chữ nghĩa
>> Việt Nam góp phần làm cho chủ nghĩa phát xít nhanh chóng sụp đổ
>> Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)
>> Bollywood từ chối chủ nghĩa chạy trốn
Bình luận (0)