Người Raglai xem mã la (một loại chiêng không núm) không chỉ là một loại nhạc cụ giữ vai trò chủ đạo trong đời sống văn hóa, mà còn biểu thị cho sức mạnh tâm linh.
Ông Cao Ấn đang chỉnh tiếng cho mã la - Ảnh: Nguyễn Chung |
Do đó, ngoài những người chơi mã la giỏi, luôn cần những nghệ nhân chỉnh tiếng cho mã la. Hiện nay, ở địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), ông Cao Ấn, 72 tuổi, được xem là người hiếm hoi “chữa được bệnh” cho mã la.
Ông Cao Ấn biết chơi mã la từ năm 12 tuổi, do bố truyền dạy. Ông chơi được nhiều làn điệu như: mừng lúa mới, báo hiếu, bỏ mã, đám tang… Ông Ấn nói rằng người Raglai quan niệm mã la là vật thiêng, là cầu nối giữa con người với thần linh. Thông qua mã la, người dân có thể thể hiện khát khao, ý chí vươn lên cũng như có thể bày tỏ sự yếu đuối, cần được che chở.
“Tùy lễ hội mà chơi mã la theo những điệu khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là dàn mã la phải có âm điệu chuẩn. Trong dàn mã la có thể gồm 7, 9 hoặc 12 chiếc, chỉ cần một chiếc có âm thanh bị “lạc” thì cả dàn đánh lên không còn ý nghĩa. Mã la bị “bệnh” có thể do dùng nhiều hoặc lâu không dùng; bị rơi, va đập khiến âm thanh bị thay đổi. Biểu hiện của “bệnh” có thể là âm thanh không đúng cao độ trong dàn, âm thanh bí, không vang…”, ông Ấn nói.
Nhà ông Ấn có dàn mã la lâu đời, gồm 9 chiếc. Trước đây, dù cả gia đình đều có thể đánh được mã la, nhưng khi có chiếc nào bị “bệnh” thì không ai “chữa” được, phải nhờ cậy các nghệ nhân gần xa. Vì thế, ông Ấn quyết học chỉnh tiếng mã la từ các nghệ nhân đi trước. Không lâu sau, khi phát hiện dàn mã la của nhà có chiếc bị phô, ông Ấn lần đầu tự tay chỉnh tiếng và thành công. Việc ông Ấn có tài chỉnh mã la nhanh chóng lan ra buôn làng. Về sau, mỗi khi có mã la bị “bệnh”, người dân lại nhờ ông Ấn “chữa trị”.
Ông Ấn nói: “Mới đầu mình chỉ chỉnh cho nhà mình, chứ không dám chỉnh cho nhà người khác, sợ không may hỏng, người ta bắt đền. Một chiếc mã la hồi đó bằng cả con trâu, con bò, lấy đâu ra mà đền. Nhưng những người biết chỉnh trong làng ngày một già yếu rồi mất dần, mã la bị "bệnh" cũng đến tay mình”.
Dụng cụ chỉnh mã la của ông Ấn chủ yếu là một lưỡi dao mỏng. Ông Ấn nói: “Muốn “chữa bệnh” thì đầu tiên phải “khám” cho mã la. Dùng tay rà xem bên mặt trong của mã la lồi, lõm, dày, mỏng thế nào để chỉnh cho đều tiếng. Muốn chỉnh tiếng to thì cạo ở vòng lớn nhất, tiếng trầm thì cạo ở giữa. Sau khi cạo, phải dùng lá tre chà cho láng, dùng lá chổi đót làm cho mịn, trơn, vì nếu để có vết xước, mã la đánh với độ rung lớn, lâu ngày có thể tạo vết nứt”.
Nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến cho biết: “Mỗi dàn mã la đều có sự khác nhau, không thể lấy chiếc của dàn này ghép vào dàn kia. Điều đó đòi hỏi nghệ nhân chỉnh tiếng phải có đôi tai thiên phú, để nghe thấy trong dàn mã la chiếc nào bị lạc và để chỉnh âm thanh cho chuẩn với cả dàn. Chỉnh tiếng mã la không phải chỉ học là làm được, phải có khả năng thiên bẩm”.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Khánh Sơn, cách đây khoảng 3 năm, ngoài ông Ấn, huyện còn có hai nghệ nhân khác có thể chỉnh mã la rất hay. Tuy nhiên, một người vừa mất, một người đang bệnh nặng. Một trong những nguyên nhân khiến nghệ nhân chỉnh tiếng mã la ngày càng vắng bóng là do người biết chơi ngày một ít.
“Những năm gần đây, địa phương đã phát động nhiều lớp dạy và học mã la. Trước việc nghệ nhân chỉnh tiếng mã la trở nên hiếm, chúng tôi cũng đang tính đến việc sẽ mở lớp chỉnh tiếng mã la, rồi mời ông Ấn truyền dạy”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)