Người Xê Đăng gốc ở làng Tê Xô Trong xa xôi, thuộc xã Đăk Tờ Kan, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) hiện đang giữ những bộ chiêng mà họ xem đó là vật vô giá.
Bộ chiêng Leng của làng Tê Xô Trong - Ảnh: Phạm Anh
|
Nhất quyết không bán
Anh cán bộ xã Đăk Tờ Kan, H.Tu Mơ Rông, tên A Khoa nhiệt tình đưa tôi qua mấy chiếc cầu treo gập ghềnh, qua mấy con đường làng vùng cao heo hút để tìm đến nhà già A Nuế (68 tuổi) ở làng Tê Xô Trong. Hôm ấy, già A Nuế chưa đi rẫy và quyết định… tạm đình chỉ đi rẫy để nói chuyện về chiêng. Trong căn nhà sàn hơi cũ kỹ, già A Nuế bảo, làng hiện nay có bộ chiêng Leng (chữ "leng", tiếng Xê Đăng gọi là du dương, thánh thót) dùng để đánh trong các lễ hội, gồm 11 cái cả thảy, trong đó có một cái lớn nhất đường kính chừng 0,5m, còn lại chừng 0,3m. Ngỏ ý muốn xem bộ chiêng này, già A Nuế lắc đầu bảo: "Tao không giữ chiêng này mà già làng A Nôm đang giữ". Nói rồi ông đứng lên đi tìm già làng A Nôm. Khoảng 30 phút sau, có 5 người già và trung niên trong làng mang cả bộ chiêng Leng với 11 chiếc đến nhà A Nuế và bắt đầu bày lên sàn nhà, tấu chiêng một cách say sưa cho khách thưởng thức. Người Xê Đăng nơi này là vậy, cứ mỗi lần chiêng Leng đánh lên, ai cũng như “lên đồng”, say sưa.
|
Các người già ở làng Tê Xô Trong cho hay, ngày trước làng này nhiều chiêng lắm. Trải qua thời gian, làng mất dần chiêng, kể cả những bộ chiêng quý. Bộ chiêng Leng các già đang đánh là của một người trong làng phải đổi bằng một con trâu mộng (40-50 triệu đồng) mới "đưa" về được. Sau này, có người gạ mua, người chủ chiêng này muốn bán. Hay tin, già làng và người già của làng Tê Xô Trong đến nhà ấy không cho bán. Sau đó, các già đi vận động người trong làng góp tiền mua lại bộ chiêng Leng và giao cho già làng A Nôm cất giữ. Bộ chiêng ấy thành tài sản chung của làng, ai đến trả giá bao nhiêu làng Tê Xô Trong cũng nhất quyết không bán.
Chiêng quý Steng
Nói về những bộ chiêng, già làng A Nôm bảo, chiêng Leng tuy quý nhưng vẫn không bằng chiêng Steng, trọn bộ có 7 chiếc. Ngày trước làng nào ở các xã của H.Tu Mơ Rông cũng đều có chiêng này. Bởi chiêng này gắn liền với lễ hội ăn trâu (chứ không phải lễ "đâm trâu") của người Xê Đăng bản xứ. "Theo phong tục Xê Đăng, lễ hội ăn trâu thường rơi vào tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm, kéo dài từ cả tuần, có khi đến 9 ngày. Lúc ấy khi mùa màng đã xong, dân làng thực hiện lời hứa với Yàng là cúng trâu, cầu cho Yàng giúp dân làng khỏe mạnh, không bị thiên tai, bệnh tật; Yàng cho ngô, lúa để đầy chòi ăn không hết", già A Nôm nói.
Lễ ăn trâu nhất định phải có chiêng Steng, nếu làng nào không có chiêng thì phải đi mượn, nếu không có chiêng này, Yàng không dự lễ và sẽ giáng tai họa cho làng. Đêm trước lễ đâm trâu, người già và trai tráng dắt trâu ra buộc vào cây nêu để trước nhà rông, sau đó quây quần trước sân nhà rông uống rượu ghè (rượu cần), đàn ông, đàn bà, gái, trai múa hát suốt đêm, nhịp nhàng đi xung quanh cây nêu nơi có buộc con trâu mộng. Trong không gian thiêng liêng của núi rừng bắc Tây nguyên, tiếng chiêng Steng được người Xê Đăng gióng lên rộn rã, thúc giục, từng nhịp, từng hồi liên miên không dứt.
Già A Nôm và lá chiêng Leng của làng - Ảnh: Phạm Anh
|
"Tiếng chiêng thông qua cây nêu, nói với Yàng lòng thành của dân làng. Nhưng, tiếng chiêng cũng để cho con trâu không được quỳ xuống, mà phải đứng cho đến sáng hôm sau. Theo quan niệm đồng bào Xê Đăng, nếu con trâu quỳ xuống thì Yàng không thích, sẽ không dự lễ", ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum giải thích. Cũng có khi, gia đình ai có ai bị bệnh, khấn vái Yàng cho qua khỏi sẽ cúng trâu, thì cũng phải cúng trâu và hiển nhiên không thể thiếu chiêng Steng. Ngoài ra, tại các lễ thiêng như: bắc máng nước, lễ ăn lúa mới, lễ ăn lúa dư…, người Xê Đăng đều dùng chiêng Steng để đánh. Vì vậy, người Xê Đăng xem chiêng Steng là linh hồn của mình gửi vào, nên rất quý và xem nó như vật thiêng bất khả xâm phạm.
Bình luận (0)