Chưa giao trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý dự luật cho Chính phủ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/01/2020 06:51 GMT+7

Liên quan quy định về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu QH lựa chọn phương án giữ như hiện hành.

Chiều 9.1, tại phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trình bày báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) QH, cho biết liên quan quy định về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu QH lựa chọn phương án giữ như hiện hành.
Theo đó, cơ quan thẩm tra sẽ chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau khi được QH thảo luận, cho ý kiến. Tuy nhiên, ngày 7.1, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp, trong đó nêu rõ “giữ nguyên quan điểm của Chính phủ” về vấn đề này. Cụ thể, Chính phủ muốn giao trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, giải trình là của cơ quan trình dự án luật.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, ông Tùng cho biết Thường trực UBPL đề nghị UBTVQH cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu QH là tiếp tục quy định như hiện nay. Bên cạnh đó, UBPL đề nghị bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý. Cụ thể là cơ quan trình sẽ nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để gửi báo cáo UBTVQH, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra. Ngoài ra, cơ quan trình dự thảo sẽ có ý kiến chính thức bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo UBTVQH.
Các ý kiến thành viên UBTVQH hầu hết đều tán thành đề xuất của UBPL. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phương án mà UBPL đưa ra với những bổ sung trách nhiệm dự thảo các nội dung giải trình, tiếp thu của cơ quan trình dự án luật là “chặt chẽ hơn, tăng cường thêm trách nhiệm của cơ quan trình ngay từ lần đầu tiên”. Theo Chủ tịch QH, quy trình xây dựng luật như hiện nay cũng đảm bảo tính khách quan, tránh việc bộ nào ra luật thuộc lĩnh vực của mình quản lý thì bộ đó cứ khư khư giữ lấy những quyền của mình, sợ mất quyền. “Như bộ luật Lao động, chúng ta nhớ, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT từng tranh chấp mãi chuyện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Rồi trong luật về quy hoạch, xây dựng đều có tranh chấp thẩm quyền của từng lĩnh vực, bộ, ngành”, bà Ngân nêu rõ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.