Cho đến lúc này, danh tính của 4 đội vào bán kết giải U.19 Đông Nam Á 2022 đã được xác định. U.19 Indonesia dù đã có màn trình diễn rất ấn tượng ở giải đấu nhưng vẫn bị loại vì kém Việt Nam và Thái Lan về thành tích đối đầu. Tuy nhiên, cơn tức giận của dư luận nước chủ nhà dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Có nhiều ý kiến trách AFF đã "lạc hậu" khi đổi luật từ tính hiệu số bàn thắng - bại thành ưu tiên thành tích đối đầu ở giải U.19 Đông Nam Á.
0:00 |
Vì sao Liên đoàn bóng đá Indonesia đòi kiện U.19 Việt Nam và U.19 Thái Lan? |
Theo trang Suara.com, rất nhiều người hâm mộ trên mạng xã hội đã bình luận vào các bài đăng của PSSI đòi liên đoàn này rời khỏi bóng đá Đông Nam Á. Từ đó, trang báo của Indonesia đã đặt câu hỏi: "Liệu Indonesia có thể rời AFF như mong muốn của cư dân mạng"?
Bài viết trên trang Suara.com về việc PSSI rời AFF |
Suara.com |
"AFF được thành lập vào năm 1984 tại Indonesia. Thực tế, AFF không phải là một liên đoàn thành viên chính thức của FIFA mà chỉ là một thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Vì vậy, không ngạc nhiên khi tất cả các sự kiện do AFF tổ chức như AFF Cup, AFF Cup U.23 đến AFF Cup U.19 đều không được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức của FIFA và chỉ được xem là các trận đấu giao hữu.
Trong khi đó, VCK U.20 châu Á và Asian Cup là các giải đấu chính thức được AFC tổ chức. Nói cách khác, sẽ không sao nếu Indonesia rời AFF và tập trung vào các sự kiện chính thức của FIFA dưới sự bảo trợ của AFC", trang Suara phân tích.
Trang báo của đất nước xứ vạn đảo cũng cho rằng việc các thành viên gia nhập hoặc rời khỏi một liên đoàn là điều không có gì mới trong thế giới bóng đá. Suara.com đưa ra dẫn chứng như việc Úc đã chọn tham gia AFF và AFC, còn Nga thì muốn rời Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) vì xung đột về chính trị và nghĩ đến chuyện sẽ gia nhập AFC do có vị trí địa lý gần châu Á.
Dư luận Indonesia tiếc nuối khi U.19 Indonesia bị loại dù bằng điểm với Thái Lan và Việt Nam (11), thậm chí còn vượt trội về hiệu số đối đầu (+15 so với +9 và +6) |
Asean football |
Trên thực tế, sự việc có lẽ sẽ không đi quá xa nếu HLV Shin Tae-yong và PSSI không có những động thái như thêm dầu vào lửa khi liên tục có ý "đổ thừa" Việt Nam và Thái Lan thiếu fair-play. HLV người Hàn Quốc cho rằng 2 đội đã vào bán kết của bảng A ngại gặp lại U.19 Indonesia. Trong khi đó, lãnh đạo của PSSI còn lên tiếng rằng đội chủ nhà đã bị thiệt thòi, thậm chí còn khiếu nại lên ban tổ chức giải U.19 Đông Nam Á 2022 và AFF.
Nhưng U.19 Indonesia trước hết phải tự trách mình khi chính họ đã không tự giải quyết được số phận trong 2 trận gặp Việt Nam và Thái Lan đều hòa 0-0 và lịch thi đấu cũng do chính chủ nhà ấn định. Điều lệ giải đã quy định từ đầu nên U.19 Indonesia cần tôn trọng luật chơi. Nếu không bằng lòng với luật đối đầu thì nên có ý kiến trước, chứ không phải đợi xảy ra chuyện mới phản ứng một cách thiếu fair play.
Bình luận