Chùa ở TP.HCM có nơi số hóa cả hũ cốt để tránh thất lạc

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
11/09/2020 10:36 GMT+7

Pháp viện Minh Đăng Quang quản lý hũ cốt bằng cách ghi thông tin vào sổ của chùa và nhập máy tính để lưu trữ với quy trình quản lý nghiêm ngặt: đánh số thứ tự hũ cốt, để trong tủ kính có khóa... nhằm tránh thất lạc.

Có 1.500 hũ cốt gửi tại chùa

Hòa thượng Thích Giác Toàn (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó tổng biên tập thường trực Báo Giác Ngộ, trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang) cho biết hiện tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TP.HCM) có 1.500 hũ cốt được người dân gửi. Các hũ tro cốt sẽ được đặt tại Tòa tháp Tứ Ân ở Pháp viện. 

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ về cách tiếp nhận và quản lý hũ tro cốt ở chùa

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Về việc gửi tro cốt ở Pháp viện Minh Đăng Quang, Hòa thượng Thích Giác Toàn cho biết trước nay chùa không có quy định nào cụ thể, dân chúng gia đình nào có nhu cầu thì hỏa táng, quy y chùa nào thì gửi cốt ở chùa đó. Hòa thượng sẽ dặn các đệ tử khi có người đến gửi tro cốt thì đăng ký đầy đủ thông tin vào sổ của chùa. Pháp Viện cũng cử một người phụ trách khu vực thờ tự chuyên trong coi, quản lý, sắp xếp hũ cốt ở tháp.
“Tôi làm trụ trì ở chùa này được 10 năm, tôi nhận thấy nhu cầu về lâu dài thì phải có một nơi thờ tự tro cốt cho người mất đàng hoàng. Có nhiều người chỉ xin gửi 3 năm rồi xin ra rải tro ở biển cũng có người gửi lâu hơn”, hòa thượng nói.

Ly kỳ chuyện tìm tro cốt thân nhân ở chùa Kỳ Quang 2

Là thành viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, hòa thượng bày tỏ Giáo hội Phật giáo trước nay chưa để ý đến vấn đề gửi tro cốt ở các chùa.
“Tập tục của người Việt, ông bà mình từ xưa đã quen với việc chôn cất người chết. Nhưng theo đạo Phật thì Đức Phật chủ trương hỏa táng. Tôi đi tu từ nhỏ nên không phân biệt địa táng hay hỏa táng nhưng hỏa táng sẽ thanh hơn cho môi trường. Khi người mất 3-5 ngày là đã đi hỏa thiêu, 5-10 tiếng sau người nhà đã có thể lấy tro cốt để vào hũ và mang đến chùa”, hòa thượng giải thích.
“Chùa nào cũng vậy mình đi lo cho tín đồ của mình, như ở ngoài đời cha mẹ lo cho con cái. Nên chùa nào làm kỹ lưỡng thì đâu cũng ra đó nên cũng không phải báo cáo lên. Nhưng từ câu chuyện của chùa Kỳ Quang 2 chắc chắn Giáo hội sẽ có chủ trương để nắm tình hình gửi tro cốt ở các chùa vì mỗi chùa có một cách tiếp nhận bảo quản thờ tự tro cốt riêng”, hòa thượng nói.

Chùa Kỳ Quang 2 mở khu vực chứa tro cốt cho người thân xuống nhận diện

Số hóa quản lý tro cốt

Tháp Tứ Ân được xây dựng từ năm 2015 - 2020 gồm 13 tầng. Từ tầng 1 đến tầng 8 được sử dụng để hũ tro cốt. Trong đó, tầng 1 - 4 là nơi để cốt theo cách truyền thống giống hầu hết các chùa khác nhưng hình thức lưu giữ tro cốt của chùa được số hóa.
Thông tin sau khi được ghi vào sổ của chùa sẽ nhập vào máy tính để lưu trữ. Thông tin lưu trữ gồm có hình chụp hũ cốt, ngày tháng năm sinh của người mất, địa chỉ thông tin của người đứng tên, số thứ tự đánh dấu trên hũ cốt.
Ngoài nhận hũ cốt và quản lý bảo quản theo phương án truyền thống, Pháp viện Minh Đăng Quang phối hợp cùng một công ty Đài Loan để xây dựng mô hình quản lý thờ tự hũ cốt hiện đại từ tầng 5 - 8 của tháp Từ Ân. Công ty phối hợp, được sự đồng ý của chùa và hỗ trợ chùa làm ra công nghệ hiện đại có văn phòng ở tầng 6, tầng 5 là phòng để tro cốt cao cấp. Trong tương lai tầng 7, 8 cũng sẽ được xây dựng thành phòng để tro cốt cao cấp.

Các hũ cốt được đặt trong tủ kính lớn được khóa ngoài bằng ổ khóa để tránh thất lạc

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Các hũ cốt sẽ được đánh dấu và sắp xếp theo thứ tự

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Sư Minh Trực là người chịu trách nhiệm quản lý nơi đặt hũ tro cốt của Pháp Viện Minh Đăng Quang. Sư chia sẻ: “Sư sẽ chăm lo việc giữ cốt còn vấn đề cúng dường thì ở văn phòng chùa sẽ lo, cúng dường là tùy hỷ khi người dân đến gửi cốt. Hũ cốt sẽ được đánh số thứ tự sắp xếp trong tủ kính lớn được khóa lại để tránh việc đổi chỗ hũ cốt, an toàn tuyệt đối, phòng khi trẻ em phá phách. Nhưng trước nay ở chùa cũng chưa từng xảy ra những vấn đề như vậy”.

Phòng để hũ trõ cốt cấp cao tại tầng 5 của tháp Tư Ân

Có 5.000 ô để cốt ở phòng để tro cốt cấp cao

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Hiện có 5.000 ô để cốt ở phòng để tro cốt cấp cao. Mỗi ô chỉ để được một hũ cốt, được xây dựng với nguyên liệu là hợp kim nhôm. Phòng có 6 máy lạnh, có người lau dọn và hương khói hằng ngày. Ngày 1, ngày 15 (âm lịch) hằng tháng và một số lễ lớn sẽ có lễ cúng tại đây.
Mô hình phát triển từ Đài Loan, đầu năm 2019 bắt đầu xây dựng và đến tháng 9.2019 thì đưa vào sử dụng. Các ô để cốt được thiết kế có thể chịu được động đất 6 độ richter, sức chịu đựng là 300kg để đảm bảo không bao giờ bị biến dạng.

Mỗi ô chỉ để được 1 hũ cốt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ô để cốt sẽ được thiết kế với 2 cánh cửa, một khung cửa kính và một khung cửa bên ngoài. Sau khi đã để hũ cốt vào bên trong sẽ đóng phần cửa kính bên trong lại, khi người thân đến thăm hủ cốt thì chỉ mở được cửa bên ngoài, cửa bên trong phải thông qua bộ phận quản lý để mở. Phần cửa kính bên trong được thiết kế khoét một hình tròn đủ lớn để có thể đưa tay vào bên trong nhưng không thể mang hũ cốt ra tránh tuyệt đối tình trạng di dời hũ cốt.

Ô để cốt sẽ được thiết kế với 2 cánh cửa, một khung cửa kính và một khung cửa bên ngoài

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Album quy trình tiếp nhận hũ cốt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Phía dưới mỗi ô sẽ có mã số và tên của người mất. Mã số sẽ lưu giữ toàn bộ thông tin về hũ cốt, vị trí hũ cốt, người thân trong máy tính để tránh tình trạng thất lạc. Đến nay đã có 30 hũ cốt được đặt tại khu để cốt cao cấp. Về chi phí, nhiều ô để cốt được từ thiện với giá 12 triệu đồng/ô, những ô còn lại có giá 50 triệu đồng/ô”, giám đốc công ty hợp tác với chùa cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.