Chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri

15/11/2016 11:09 GMT+7

Trước khi diễn ra phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 15.11, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13.

Giải quyết 100% kiến nghị cử tri
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình báo cáo, bà Hải cho biết, từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Sau khi phân loại, xử lý các kiến nghị trùng nội dung, kiến nghị không rõ nội dung, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn 914 kiến nghị; trong đó, có 49 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan của Quốc hội, 856 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị - xã hội và 4 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao.
Nội dung các kiến nghị tập trung vào 8 nhóm vấn đề, lĩnh vực, từ nông nghiệp, nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế… đến lĩnh vực đầu tư, tài chính và ngân sách; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường…
Theo bà Hải, các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận, tiếp thu, giải quyết và có văn bản trả lời 100% kiến nghị của cử tri. Đơn cử, về hoạt động giám sát, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã tiếp thu kiến nghị cử tri về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát, việc thực thi chính sách, pháp luật; tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề về những vấn đề quan trọng, bức xúc, trong thời gian qua việc lựa chọn các nội dung giám sát chuyên đề sát với yêu cầu thực tế và mong mỏi của cử tri đã được hết sức quan tâm.
“Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về: Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo…”, bà Hải thông tin.
Đáng chú ý, theo bà Hải, tiếp thu kiến nghị cử tri, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định chương trình giám sát năm 2017 chuyên đề về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016”; chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016"; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)" và chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, bà Hải cho biết các cơ quan này đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 100% kiến nghị của cử tri, trong đó có 64,37% kiến nghị đã được trả lời, giải trình cung cấp thông tin với cử tri; 20,56% đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết xong và 15,07% đang nghiên cứu tiếp thu sẽ giải quyết trong thời gian tới.
Đáng chú ý, về vấn đề quản lý và sử dụng cán bộ, Bộ Nội vụ đã giải trình, thông tin với cử tri về các chính sách đối với các đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế, rà soát, sửa đổi, bổ sung, quy định thống nhất chính sách, chế độ tiền lương; cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ tri thức; tăng cường công tác giám sát cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, thiếu tinh thần trách nhiệm và có biện pháp xử lý; thanh tra, kiểm tra việc thi tuyển công chức, viên chức tại các bộ, ngành và địa phương và xử lý các vi phạm; rà soát và đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện đề án vị trí việc làm tại các bộ, ngành và địa phương làm cơ sở để thực hiện việc tinh giản biên chế...
Đùn đẩy trả lời kiến nghị cử tri cho cấp phó
Đánh giá chung việc giải quyết kiến nghị cử tri, Trưởng ban Dân nguyện cho biết nhìn chung Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, giải quyết nghiêm túc các kiến nghị. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, như trong công tác lập pháp, một số trường hợp, cơ quan của Quốc hội còn chưa quan tâm, xem xét, tiếp thu triệt để ý kiến, kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra dự án luật cũng như chưa coi kiến nghị của cử tri là cơ sở, là căn cứ thực tiễn để xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực chuyên môn mà cơ quan mình phụ trách; chưa quan tâm thỏa đáng đối với những kiến nghị của cử tri trong việc đánh giá tác động của các dự án luật.
Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các dự án luật có những cuộc tổ chức còn gấp gáp, hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Trong các hoạt động giám sát, một số nội dung giám sát được nhiều cử tri quan tâm và kiến nghị ở nhiều kỳ họp như: việc giám sát quản lý, sử dụng ngân sách, giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh… vẫn chưa được tổ chức thực hiện thường xuyên.
“Trong quá trình xem xét, đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện luật, pháp lệnh của cơ quan có thẩm quyền còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát. Bên cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận tại các báo cáo giám sát, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả giám sát còn chưa cao”, đại diện Ban Dân nguyện phát biểu.
Với Chính phủ và các bộ, ngành, từ sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, các bộ, ngành đã nỗ lực cố gắng trong việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, khắc phục được tình trạng chậm trả lời kiến nghị của cử tri so các kỳ họp trước, cụ thể tại kỳ họp này 100% các kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành trả lời đảm bảo đúng thời gian quy định của pháp luật.
Theo bà Hải, phần lớn các bộ trưởng, trưởng ngành đều xác định rõ trách nhiệm chính trị của mình trước cử tri nên đã rất tích cực nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; chất lượng và số lượng trả lời các kiến nghị của cử tri cũng từng bước được nâng lên rõ rệt; đã phân loại và xác định đúng, rõ ràng các kiến nghị cần tiếp thu, giải quyết, các kiến nghị cần thông tin giải trình tới cử tri.
Một số nội dung mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kiến nghị tại các báo cáo giám sát tại các kỳ họp Quốc hội khóa 13 đã được các bộ, ngành quan tâm giải quyết như: kéo dài thời hạn cho vay mua nhà ở từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng; về sửa đổi quy định theo hướng thuận lợi cho người dân trong việc chuyển tuyến điều trị, trong việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế; về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995…
Tuy nhiên, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo giám sát là Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tuy đã kịp thời tiếp thu, nghiên cứu giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri nhưng vẫn còn hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời cử tri mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Đáng chú ý, nhiều kiến nghị của cử tri yêu cầu các cơ quan nhà nước phải giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc, nhưng nội dung trả lời các kiến nghị này lại chưa thật sự rõ ràng, thiếu lộ trình cụ thể hoặc chỉ viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp để trả lời cử tri nên chưa đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của cử tri như một số văn bản trả lời của Bộ KH-ĐT; NN-PTNT; GTVT; Bộ Công thương, TN-MT, Bộ Nội vụ…
Việc ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành, tuy nhiên vẫn còn một số bộ, ngành, bộ trưởng, trưởng ngành không trực tiếp trả lời kiến nghị cử tri mà lại giao cho cấp phó trả lời là chưa thể hiện hết trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành đối với cử tri và Nhân dân cả nước như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc,...
Báo cáo giám sát cũng đề xuất một số giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó có đề nghị thực hiện đầy đủ, đúng quy trình lập pháp, xác định rõ trách nhiệm các cơ quan trong việc trình, thẩm tra dự án luật đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; dành thời gian thỏa đáng để thảo luận các dự án luật, pháp lệnh tại các phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể hóa tối đa các quy định trong các dự án luật, pháp lệnh, hạn chế việc giao Chính phủ, bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban TVQH đề nghị Thủ tướng sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, trong đó cần xác định rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết; có hình thức xử lý đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, để cử tri kiến nghị bức xúc qua nhiều kỳ họp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.