Tại phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, kết quả tiếp, xử lý đơn thư công dân 2016.
Bị trả lại hồ sơ thì tỏ thái độ khiếm nhã
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 11, Quốc hội khoá 13, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu lên một số hạn chế, tồn tại trong công tác lập pháp.
Theo bà Hải, vẫn còn tình trạng nể nang, châm chước trong xử lý đối với một số dự án luật mà Chính phủ trình chậm, chất lượng còn chưa như mong muốn. “Đôi khi có những dự án luật chưa tuân thủ đúng quy trình, thủ tục của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiến độ thời gian trình, thời gian gửi tài liệu...”, bà Hải nói.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, vấn đề nêu trên không phải là “đôi khi” mà là “rất nhiều khi". “Tình trạng nể nang này đã đặt các ủy ban của Quốc hội trước việc không nhận hồ sơ để làm thì không được mà nhận thì chất lượng rất không đảm bảo”, bà Nga cho biết.
Nhiều trường hợp do chất lượng hồ sơ không đảm bảo bị trả lại thì các cơ quan soạn thảo phản ứng. “Tôi rất buồn là làm việc nhà nước mà khi trả lại hồ sơ thì ra khỏi phòng họp, các đồng chí phản ứng rất khiếm nhã: tại sao lại chê, tại sao lại bác dự án luật này? Việc này phải được xác định một cách nghiêm túc”, bà Nga bày tỏ chính kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các bộ trưởng tuân thủ nghiêm túc quy trình, và mỗi khi dự án luật ra Quốc hội đến giai đoạn cuối thì bộ trưởng phải đứng ra giải trình.
Theo bà Nga, thực tế hiện nay Quốc hội bị chi phối quá nhiều thời gian cho công tác lập pháp nên thời gian cho giám sát bị hạn chế. “Liên tục có đề nghị sửa đổi luật, mà sửa luật này thì phải sửa hàng loạt luật khác liên quan. Nếu chấp nhận thường xuyên cuốn vào việc làm luật, sửa luật thì Quốc hội còn thời gian đâu cho giám sát nữa”, bà Nga nói.
Từ thực tế trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần phải giám sát chặt chẽ việc đưa các dự luật vào chương trình lập pháp. "Nếu chúng ta dễ dãi chấp nhận các đề xuất sửa luật này, luật kia sẽ đẩy đến việc chương trình làm luật nặng nề, không còn thời gian giám sát nữa”, bà Nga nhấn mạnh.
Đề nghị phê bình công khai các bộ, ngành “dân hỏi một đường, trả lời một nẻo”
Liên quan đến việc trả lời kiến nghị cử tri của Chính phủ và các bộ, báo cáo của Ban Dân nguyện cho biết Chính phủ, các bộ, cơ ngang bộ tuy đã kịp thời tiếp thu, nghiên cứu giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, nhưng vẫn còn hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời mà chưa quan tâm tới việc giải quyết các kiến nghị.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, đến thời điểm này vẫn còn 142 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm và 751 văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh hoặc các thông tư hướng dẫn nghị định không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng chưa được được sửa đổi, bổ sung, ban hành. Các bộ còn tồn đọng vấn đề này được Ban Dân nguyện nêu tên: Bộ Tài nguyên - Môi trường (29 kiến nghị), Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (29 kiến nghị), Tài chính (24 kiến nghị), Giáo dục - Đào tạo (11 kiến nghị), Văn hóa - Thể thao - Du lịch (11 kiến nghị) và Lao động - Thương binh - Xã hội (8 kiến nghị).
tin liên quan
Quốc hội giám sát việc làm rõ trách nhiệm vụ Formosa'Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện cam kết của Formosa và sẽ giám sát bằng hình thức thích hợp', Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Cũng theo Ban Dân nguyện, việc ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng ở một số bộ, ngành, bộ trưởng, trưởng ngành không trực tiếp trả lời kiến nghị cử tri mà lại giao cho cấp phó trả lời. Theo bà Hải, điều này là chưa thể hiện hết trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành đối với cử tri và nhân dân cả nước.
Tại cuộc họp, bà Hải đã nêu tên một số bộ có tình trạng này là Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc...
Trước thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình đề xuất cần đưa cụ thể các trường hợp hỏi một đường trả lời một nẻo, hoặc trả lời chung chung không đúng kiến nghị ra trước Quốc hội phê bình để biết ai làm tốt ai không.
“Giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ của bộ trưởng, trưởng ngành. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ coi tiêu chí các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời có chất lượng, đầy đủ các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ khi lấy tín nhiệm trước Quốc hội”, bà Nga đề xuất.
Bình luận (0)